Ngay sau khi Bộ GD&ĐT họp báo công bố Quyết định của Bộ trưởng về danh mục sách giáo khoa lớp 1 mới, các nhà báo và trong dư luận có nhiều băn khoăn. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã kịp thời chia sẻ để mọi người hiểu rõ hơn về những điều này.
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ, việc lựa chọn sách giáo khoa là thẩm quyền của mỗi nhà trường.
Cụ thể, tại Điều 2, khoản 3, mục g của Nghị quyết số 88/2014/QH13 quy định: "Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo."
Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tại Điều 1, điểm d, khoản 3 nêu rõ: "Việc lựa chọn sách giáo khoa thuộc thẩm quyền của nhà trường và được thực hiện công khai, minh bạch, căn cứ điều kiện thực tiễn và có tham khảo ý kiến giáo viên, học sinh, phụ huynh."
Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục năm 2019, quyền chọn sách giáo khoa lại thuộc về UBND tỉnh. Điều 32, khoản 1, điểm c) của Luật Giáo dục 2019 quy định: "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo."
Về nguyên tắc Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020 mà việc chọn sách giáo khoa lớp 1 phải thực hiện chậm nhất trong tháng 3/2020 (theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT).
Vậy Thông tư "Hướng dẫn lựa chọn SGK lớp 1 ở các địa phương" mà Bộ GD&ĐT đang dự thảo để xin ý kiến (trong 1 tháng) và công bố trong tháng 12/2019 sẽ giao quyền cho ai chọn sách giáo khoa lớp 1 dùng trong năm học 2020 - 2021?
Trao đổi với TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, được biết: Bộ GD&ĐT đã thấy sự bất cập này nên đã trình Chính phủ, đề nghị Quốc hội trong kỳ họp này, xem xét để cho phép riêng Điều 32, khoản 1, điểm c) của Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực sớm hơn thời điểm chọn sách giáo khoa lớp 1 mới.
TS. Nguyễn Xuân Thành
TS. Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn dự thảo thông tư về lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, các địa phương sẽ phải thành lập hội đồng để lựa chọn sách. Hội đồng này quy định gồm 15 thành viên, trong đó tối thiểu 2/3 thành viên là giáo viên từ các trường khác nhau. Các thành viên hội đồng sẽ tham khảo ý kiến của giáo viên trong trường mình cũng như trong cộng đồng giáo viên ở địa phương, ý kiến của phụ huynh, học sinh. Khi có 3/4 ý thành viên hội đồng đồng ý thì sách mới được lựa chọn. UBND tỉnh phải có biện pháp bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng khi lựa chọn sách.
TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết trước tháng 3/2020, địa phương phải thành lập Hội đồng và công bố kết quả lựa chọn SGK trong danh mục SGK được Bộ GD-ĐT ký thông qua ngày 21/11/2019. Thông tư mà Bộ GD&ĐT đang dự thảo hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng là các UBND tỉnh phải chọn tất cả sách giáo khoa của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ sách giáo khoa cho địa phương.
Chia sẻ góc nhìn từ thực tế cơ sở, GS. TS. Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết các sách giáo khoa đều đã được Bộ GD&ĐT thẩm định nên đáp ứng được các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ khác nhau về cách tiếp cận. Tuy nhiên, nếu để cho các trường tự chọn sách giáo khoa riêng với rất nhiều sách khác nhau sẽ dẫn đến việc khó trong công tác chỉ đạo chung của địa phương.
Vì thế, ông Thành cho rằng Luật Giáo dục 2019 quy định UBND các tỉnh quyết định lựa chọn sách là phù hợp, để tạo sự thống nhất nhất định. "Nhưng điều này cũng không mâu thuẫn với Nghị quyết 88 của Quốc hội hay Quyết định 404 của Chính phủ vì UBND tỉnh chỉ ra quyết định, còn người chọn sách thực sự chính là các giáo viên khi có đến 2/3 thành viên hội đồng chọn sách là giáo viên, là tiếng nói thực tiễn từ cơ sở,” ông Thành phân tích.GS. Thái Văn Thành
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, một địa phương có thể chọn nhiều hơn một bộ sách để phù hợp với đặc điểm học sinh từng khu vực. "Ví dụ tại Nghệ An, có sự chênh lệch giữa giáo dục miền xuôi và miền núi, với mục tiêu giáo dục khác nhau. Trong khi giáo dục miền xuôi đặt yêu cầu phải đổi mới, sáng tạo thì giáo dục miền núi chỉ cần đạt hiệu quả giáo dục. Theo đó, ở Nghệ An ít nhất phải có hai bộ sách cho hai nhóm đối tượng học sinh khác nhau,” ông Thành nói.
Nhìn vào danh mục SGK vừa được phê duyệt, NXBGD VN có đến 4 bộ SGK lớp 1 với 24 cuốn. Như vậy có thể thấy, trong năm học 2020-2021, SGK của NXBGD VN vẫn tiếp tục chiếm thị phần lớn. Điều này liệu có đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là đa dạng hóa SGK, chống độc quyền?TS. Thái Văn Tài
Ông Thái Văn Tài cho biết: Tính độc quyền xảy ra khi chỉ có một bộ sách, nhưng hiện tại có nhiều bộ SGK từ nhiều nhóm tác giả khác nhau. Hơn nữa, Luật cũng không quy định địa phương lựa chọn sách theo bộ hay theo môn. Vì vậy, việc lựa chọn bộ sách vẫn phải dựa trên tính phù hợp với từng địa phương.Đây chính là cách lựa chọn thông minh nhất đối với người sử dụng. Do đó, chúng ta không nên quá băn khoăn về tính độc quyền. Tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Xuân Thành cho biết: Khi các địa phương lựa chọn những bộ sách khác nhau, việc kiểm tra đánh giá vẫn sẽ được đảm bảo. Chúng ta thực hiện "một chương trình nhiều bộ sách" thì việc kiểm tra đánh giá vẫn phải đáp ứng những yêu cầu cần đạt của chương trình. Đây cũng là điểm khác biệt với chương trình hiện hành. Chương trình mới sẽ yêu cầu "Học sinh làm được những gì với kiến thức được trang bị trong chương trình”.
Chính vì vậy việc kiểm tra đánh giá cũng phải theo chuẩn của chương trình. Việc ra đề kiểm tra sẽ không phụ thuộc vào ngữ liệu cụ thể trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào. Như vậy thầy cô, học sinh sẽ yên tâm và dần dần quen với việc tài liệu SGK để sử dụng trong các hoạt động học nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình mong muốn.
Việc lấy chuẩn chương trình là quan trọng nhất nên việc học sinh chuyển trường từ nơi này sang nơi khác cũng không ảnh hưởng gì nhiều vì ngữ liệu trong sách giáo khoa chỉ là công cụ, phương tiện để các em thực hiện các hoạt động theo lệnh của thầy cô.
Tôi vẫn hay ví von thế này, ở Việt Nam chúng ta ăn cơm, còn sang nước ngoài thì ăn bánh mì. Chúng ta vẫn cứ lớn lên và vẫn khỏe mạnh như vậy. Cho nên cái lõi của việc thực hiện "một chương trình, nhiều bộ SGK" là bám sát chương trình học.
TS. Thái Văn Tài giải thích: Chúng ta thấy, đổi mới giáo dục lần này có điểm khác rất căn bản. Chương trình và SGK hiện hành thì sách giáo khoa là pháp lệnh, là duy nhất, thể hiện đồng nhất trên toàn quốc. SGK chương trình hiện hành tiếp cận chuẩn kiến thức kỹ năng. Còn hiện nay, chương trình được công bố thì chương trình tiếp cận phẩm chất, năng lực người học.
Vì vậy, sự thể hiện và tiếp cận của tác giả đối với chương trình cũng đa dạng, phong phú. Hội đồng thẩm định quốc gia có trách nhiệm thẩm định SGK đúng với chương trình, đạt chương trình, còn sự đa dạng trong thống nhất trong chương trình là phải đảm bảo. Vì vậy, rất khó để đưa ra một sự so sánh về chất lượng đồng nhất, vì có những cách tiếp cận rất phù hợp với miền Nam, đồng bằng, nhưng có cách tiếp cận nội dung lại phù hợp với các tỉnh miền núi, dân tộc hoặc những vùng biên giới.
Đây là một trong những nội dung mà hội đồng thẩm định quốc gia vừa qua đã thể hiện rất rõ đánh giá ở mức đạt, mà chúng ta không xếp loại SGK theo thứ tự 1, 2,3,4. Những SGK được đánh giá Đạt có giá trị pháp lý, có nội dung như nhau và thể hiện đảm bảo chương trình, tức đúng với chương trình, còn tùy vào đặc điểm địa lý, văn hóa của địa phương từng vùng miền mà hội đồng lựa chọn SGK tại địa phương đó lựa chọn cách tiếp cận nào của tác giả.
Trần Phương Nam (Tổng hợp)
BigSchool: Ngoài các ý kiến trên có một số trao đổi liên quan tới việc cạnh tranh giữa các đơn vị tổ chức bản thảo sách giáo khoa lớp 1 mới:
- Có đơn vị đã mời các lãnh đạo và thành viên trong Hội đồng xây dựng chương trình tổng thể, chương trình môn học là tác giả viết sách giáo khoa nên tổ chức bản thảo một số môn, một số lớp trước khi Bộ GD&ĐT công bố chương trình môn học. Từ đó tạo sự lợi thế hơn các đơn vị khác về mặt thời gian.
- Có đơn vị đã giới thiệu bộ sách của mình khi Bộ trưởng chưa ký Quyết định công bố danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng từ năm học 2020 - 2021.
- Chủ biên sách giáo khoa của một môn học còn để ý đến thứ tự các cuốn sách giáo khoa trong danh mục của Bộ GD&ĐT công bố để cho rằng: Ở mỗi môn học tên các cuốn sách của NXBGD VN đều ở trên tên các cuốn sách của 2 NXB còn lại.
Chính vì các điều này, thiết nghĩ Bộ GD&ĐT cần có những quy định chặt chẽ hơn để không xảy ra những lời bàn có dấu hiệu không lành mạnh giữa các đơn vị tổ chức bản thảo sách giáo khoa làm dư luận nảy sinh những nghi ngờ về việc: có lợi ích nhóm trong việc ra đời các cuốn sách giáo khoa hay không?
Hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ kịp thời chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ những diễn biến không lành mạnh trong qua trình triển khai lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 và triển khai xây dựng các sách giáo khoa cho các lớp tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc: