Để Hội thi giáo viên giỏi đạt đúng mục đích thì Bộ GD&ĐT cần làm gì hay là bỏ hẳn?

Ngày 17/12/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có chuyến công tác lên Yên Bái để đối thoại với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Trong nhiều vấn đề có chuyện thi giáo viên giỏi hiện nay ở các địa phương. Chúng ta thử tìm hiểu lại và trao đổi về việc này.

Thực tế thi giáo viên giỏi đã bị kêu từ lâu

Xin trích bài trên Việt Báo từ năm 2014:

PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp, khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã nêu những quan điểm của mình trên Vietnamnet về việc không ủng hộ cách tiến hành thi giáo viên giỏi hiện nay. Theo PGS.TS Hợp thì thứ nhất cách làm này thiếu thực chất do tiết dạy không phải do giáo viên đi thi "thiết kế" mà là do nhiều người xây dựng nên. Thứ hai đánh giá năng lực sư  phạm của 1 người giáo viên chỉ qua 1 tiết dạy thôi là việc thiếu khách quan. Không chỉ có vậy, thi giáo viên giỏi còn thiếu tính sư phạm khi các em học sinh làm "quân xanh" cho giáo viên dạy, các em phải học nói dối để khiến "buổi diễn" thành công.

Một giáo viên tiểu học chia sẻ: "Tôi là một giáo viên tiểu học. Tôi vừa thi giáo viên dạy giỏi xong và tôi thấy thực tế là học sinh bị thiệt thòi rất nhiều sau những đợt thi này. Mục tiêu của chúng tôi là làm thế nào cho học sinh giỏi chứ không phải làm diễn viên giỏi. 100% giáo viên chúng tôi đều nhất trí bỏ thi giáo viên dạy giỏi".
Một tiết dạy thi giáo viên giỏi năm 2017 tại Hà NamMột tiết dạy thi giáo viên giỏi năm 2017 tại Hà Nam
TS Vũ Thu Hương cũng đã nêu ra những điều bất cập trong những tiết giảng mẫu hay kỳ thi giáo viên dạy giỏi. Bà chia sẻ trên Infonet, khi dự một tiết học đánh giá giáo viên "Hỏi học sinh thì các em bảo là cô đã giảng bài này rồi và dặn học sẵn cái này cái kia. Thậm chí hoạt động nhóm, học sinh còn chuẩn bị trước cả đáp án trả lời viết lên bảng rất đẹp. Chỉ làm bộ là hoạt động nhóm trong 1 phút, sau đó là học sinh giơ bảng chuẩn bị câu trả lời sẵn lên". Điều này dẫn tới những tiết học vô giá trị với học sinh bởi các em sẽ phải học đi học lại tiết học đó. Không chỉ có vậy, việc dạy theo cách này sẽ khiến các em học theo lối trình diễn đối phó từ đó hình thành tính cách dối trá, thiếu thực chất, nặng hình thức học tập. 

Một giáo viên của trường THCS ngay giữa trung tâm Hà Nội cho biết, thực chất, thi giáo viên giỏi từ lâu đã thành bệnh "hình thức". Cô cho biết: "Háo hức nghe danh một giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền lần này lại đi thi tiếp môn Văn, tôi xin phép hiệu trưởng cho đi dự giờ, thế nhưng, giờ giảng quá khuôn mẫu theo sách, quả thực, nói ra thì hơi xấu hổ nhưng tôi đã ngủ gật trong giờ giảng này. Sự háo hức ban đầu từ những lần dự giờ nghe giảng nay đã hoàn toàn biến mất khi chúng tôi đã gặp quá nhiều "buổi diễn" buồn tẻ như vậy". Cô còn tâm sự thêm, "quả thật nhiều khi thấy hoang mang với các danh hiệu của nghề giáo, lòng yêu nghề đôi khi cũng bị sụt giảm đi rất nhiều vì tính hình thức trong giáo dục".

Làm sao để ý kiến của Bộ trưởng thành hiện thực?

Trong chuyến công tác tại Yên Bái vừa qua, sau khi nghe phản ánh của giáo viên về vấn đề thi giáo viên giỏi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định: "Việc thi giáo viên dạy giỏi hiện nay chỉ là diễn nên tôi không đồng ý. Việc đó chỉ gây áp lực cho giáo viên. Thi đua là tốt nhưng phải tốt thật chứ không đưa ra để gây áp lực. Việc đánh giá giáo viên phải tăng tính hậu kiểm, ghi nhận tiến bộ của học sinh, sự yêu quý của phụ huynh".
Bộ trưởng lắng nghe tâm tư, chia sẻ của giáo viênBộ trưởng lắng nghe tâm tư, chia sẻ của giáo viên
Để ý kiến của Bộ trưởng thành hiện thực cần xem lại các Thông tư mà Bộ GD&ĐT đã ban hành trước đây.

1. Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT 

Đây là Thông tư ban hành Điều lệ thi giáo viên giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên. Ta có thể thấy mục đích hội thi giáo viên giỏi là hoàn toàn đúng đắn và tốt đẹp nên có nhiều ý kiến cho rằng không nên bỏ việc thi giáo viên giỏi.

Để Hội thi giáo viên giỏi đạt đúng mục đích thì Bộ GD&ĐT cần làm gì hay là bỏ hẳn?
Mục đích Hội thi giáo viên giỏiMục đích Hội thi giáo viên giỏi
Tuy nhiên có những việc mà mục đích tốt nhưng giải pháp cụ thể không đúng thì cũng không thể đạt được mục đích. Ta có thể thấy ngay từ yêu cầu của Hội thi đã có những yêu cầu bị vi phạm.
Yêu cầu của Hội thi giáo viên giỏiYêu cầu của Hội thi giáo viên giỏi
Nếu theo các phản ánh thực tế thì yêu cầu b) bị vi phạm. Bởi vì thầy cô và học sinh đã là diễn theo kịch bản của tập thể thì không còn "khách quan, trung thực, công bằng, có tác dụng giáo dục".

Trong Điều 6 quy định về nội dung thi giáo viên giỏi có những điều cần bàn.
Nội dung thi giáo viên giỏiNội dung thi giáo viên giỏi
Trước hết nói về sáng kiến kinh nghiệm hay nghiên cứu khoa học sư phạm được ứng dụng là điều mà dư luận trong ngành giáo dục bàn tán khá nhiều. Liệu có đúng là sáng kiến kinh nghiệm hay nghiên cứu của chính giáo viên đó không? Chính tác giả bài viết này đã có lần đành viết hộ vợ bạn thân một sáng kiến kinh nghiệm vì cô giáo bảo: "Em chỉ biết dạy tốt, học sinh tiến bộ và giỏi thôi...chứ viết thì em chịu, chả biết viết cái gì...". Tuy cũng đã viết khá nhiều vấn đề liên quan tới dạy toán, giải toán nhưng thực sự khó khi phải nghĩ một kinh nghiệm gì mới để viết hộ trong một thời gian giới hạn. Vậy thực sự có bao nhiêu giáo viên viết được một cách thực sự và có hiệu quả thực sự khi áp dụng? Đây chính là một nội dung dễ sa vào "bệnh hình thức".
Không bàn tới việc kiểm tra năng lực có khách quan, công bằng hay không mà chỉ nói tới 2 tiết dạy thực hành được chuẩn bị trong 1 tuần, ai đảm bảo giáo án không có sự trợ giúp? Có khi những điểm sáng tạo nhất của giáo án lại không phải của giáo viên dự thi. Thôi cứ cho là giáo viên phải dạy ở lớp mà mình chưa bao giờ dạy để tập diễn cho học sinh, mặc dù với lớp lạ vẫn có thể luyện "chui" được!
Ở đây rất nhất trí với ý kiến của Bộ trường: "Việc đánh giá giáo viên phải tăng tính hậu kiểm, ghi nhận tiến bộ của học sinh, sự yêu quý của phụ huynh."
Bởi vậy, Bộ GD&ĐT cần có sự nghiên cứu cẩn thận để sửa lại "Nội dung thi", từ đó sẽ thay luôn cả "Hình thức thi".

2. Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT

Đây là Thông tư Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Chúng ta xem lại mục 3 của Điều 13:
Yêu cầu về kết quả đánh giá, xếp loại giáo viênYêu cầu về kết quả đánh giá, xếp loại giáo viên
Với điểm b) thì chắc chắn dẫn đến tình trạng bắt ép giáo viên phải thi giáo viên giỏi, mặc dù văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT ngày 3/3/2016 ghi rõ: "Việc tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp là do giáo viên tự nguyện, không được ép buộc giáo viên phải tham gia và không được tạo áp lực cho giáo viên để lấy thành tích cho nhà trường dưới mọi hình thức."
Cần sửa điểm này hay không sẽ phụ thuộc vào có sửa Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT  hay không? Đây là điều mà Bộ GD&ĐT nên cân nhắc.
Cuối cùng chỉ nói thêm: các công văn hướng dẫn đều dưới "cấp" của Thông tư nên việc xem xét chỉnh sửa Thông tư là rất quan trọng.
Hy vọng sau chuyến đi "thị sát" và hiểu thêm "tâm tư" của giáo viên, Bộ trưởng sẽ có những hành động thực sự để bớt một việc bất cập, hình thức và nhiều khi tạo ra sự mất đoàn kết trong các trường học.

Rất mong các bạn trao đổi để làm rõ hơn giải pháp cần thiết, cũng như cho biết: "Hội thi giáo viên giỏi có cần thiết hay không?"

Lê Thống Nhất

Ý kiến bạn đọc: (2)

NgPhuong Vẫn tổ chức thi nhưng hình thức thi nên thay đổi.và ko ép buộc gv thi mà để họ tự nguyện đăng kí đi thi bộ trưởng ạ.kq thi gv giỏi ko dùng để đánh giá thành tích của nhà trường mà nên lấy thành tích gv giỏi của cá nhân đó để xét tăng lương cho bản thân cá nhân đó.Có như vậy mỗi bản thân gv sẽ nỗ lực phấn đấu làm chuyên môn và việc thi cử mới ko hình thức bộ trưởng ạ.

· Trả lời · · 4 năm trước

Maidung Le Theo e, bộ trưởng cứ gửi mẫu thăm dò ý kiến toàn bộ gv cả nước. qua thư điện tử về cuộc thì này sẽ nhận đc phản hồi

· Trả lời · · 4 năm trước
Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.