Rất nhiều giáo viên (GV) phàn nàn dạy phần TV trong sách NV mới của cả 3 bộ sách đều khó. Do sách mới không có bài dạy lí thuyết riêng về các đơn vị TV mà chỉ nêu bài tập. Theo GV như thế HS chưa hiểu khái niệm thì rất khó làm bài tập… Nhưng các thầy, cô đều thấy, những bài lí thuyết TV trong sách hiện hành cũng đều bắt đầu từ các bài tập. Ví dụ: học "Cụm danh từ” thì bắt đầu bằng 3 bài tập, sau đó rút ra ghi nhớ cụm danh từ là gì. Sách NV mới của bộ sách "Cánh Diều" (CD) cũng làm như vậy; xin các thầy cô cũng bắt đầu từ các bài tập thực hành rồi từ đó rút ra khái niệm nêu ở mục Kiến thức ngữ văn. Như thế sách NV 2018 (CD) chỉ khác ở cách thức trình bày, tích hợp luôn yêu cầu hình thành lí thuyết vào luyện tập, thông qua thực hành để rút ra lí thuyết; không nặng về trang bị lí thuyết…
2. Để dạy TV theo yêu cầu của CT mới, GV cấp trung học cần chú ý:
a) Nắm vững quan niệm, mục tiêu, yêu cầu dạy học TV của CT 2018 như đã nêu.
b) Xác định được các nội dung cốt lõi của phần TV trong sgk. Sách có thể nêu lên nhiều bài tập, nhằm cung cấp ngữ liệu phong phú cho GV và HS ở nhiều mức độ và đối tượng khác nhau. Nhưng GV cần xác định được nội dung cốt lõi để tổ chức dạy học, nhất là trong bối cảnh bệnh dịch, học trực tuyến, thời gian eo hẹp… Theo tôi có 3 nội dung cốt lõi: i) Nhận biết được đơn vị TV; ii) Phân tích (hiểu) được tác dụng của đơn vị ấy; iii) Vận dụng được vào đọc, viết, nói, nghe. Từ 3 nội dung cốt lõi này mà chọn bài tập trong sgk để tổ chức dạy học, đặc biệt với HS vùng khó.
SGK "Ngữ văn lớp 6" tập 1 (Cánh Diều) trang 78
c) Tổ chức cho HS làm các bài tập nêu trong phần Thực hành tiếng Việt qua đó mà hình thành kiến thức. Hãy bắt đầu bằng bài tập nhận biết.
Ví dụ với Bài 4 (NV6- CD) học về thành ngữ. GV chưa cần yêu cầu HS hiểu thành ngữ là gì mà bắt đầu bằng bài tập 1: Giải thích nghĩa của các thành ngữ (in đậm). Sách nêu lên 5 thành ngữ ( in đậm) gắn với văn cảnh cụ thể. GV cho 5 nhóm mỗi nhóm làm 1 câu với câu hỏi: em hiểu cụm từ in đậm ấy nghĩa là thế nào? VD: "lớn nhanh như thổi" là thế nào? "hôi như cú mèo" là thế nào?... HS suy nghĩ và trả lời (có thể đúng, sai); GV cho trao đổi và xác định nghĩa đúng của các thành ngữ ấy. VD: lớn nhanh như thổi là lớn rất nhanh… Sau đó GV chốt lại: những cụm từ in đậm ấy gọi là thành ngữ và nêu câu hỏi: Vậy em hiểu thành ngữ là gì? (có thể gợi mở như: cụm từ có dài không? có hình ảnh không? có quen dùng không?...). HS trả lời và GV hướng dẫn các em xem khái niệm đã nêu ở mục Kiến thức ngữ văn: "Thành ngữ là những cụm từ cố định quen dùng, thường ngắn gọn, có hình ảnh".
Đây chính là mục ghi nhớ như sách hiện hành. Nhưng NV6 (CD) không yêu cầu HS phải ghi nhớ, vì khái niệm thành ngữ có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Sách chỉ yêu cầu hiểu. Ví dụ để HS hiểu "cụm từ cố định" là một số từ hợp lại, có cấu trúc và nghĩa khó thay đổi, GV chỉ cần gợi mở: người ta chỉ quen nói "hôi như cú" không nói: hôi như ngan (vịt, ngỗng, bò, trâu...) và chỉ có nghĩa là “rất hôi”, không có nghĩa khác. GV cũng không cần đi sâu vào giải thích tại sao lại so sánh với cú mà không phải là các con vật khác. Tuy nhiên cần phải tìm hiểu điều đó để nếu HS hỏi thì trả lời được.
Với yêu cầu phân tích tác dụng của thành ngữ, GV lấy ngay các ví dụ vừa nhận biết gắn với văn cảnh của từng thành ngữ đã cho để HS chỉ ra tác dụng của thành ngữ ấy. Ví dụ: thành ngữ "hôi như cú mèo" trong câu văn “Chú mày hôi như cú mèo thế này, ta nào chịu được” đã giúp Tô Hoài diễn tả được điều gì? Để HS trả lời câu hỏi ấy, GV nên gợi dẫn: nếu nói: "Chú mày rất hôi hoặc hôi quá" thì khác gì với "Chú mày hôi như cú mèo"? Từ đó chỉ ra, với 1 thành ngữ rất quen thuộc, Tô Hoài đã cụ thể hóa cái mùi "hôi" trừu tượng thành cụ thể, dễ hiểu, diễn tả rất sinh động giọng điệu giễu cợt và thái độ trịch thượng, cao ngạo, hống hách của Dế Mèn.
SGK "Ngữ văn lớp 6" tập 1 (Cánh Diều) trang 79
Về yêu cầu luyện tập, vận dụng thành ngữ, GV chọn 1-2 câu trong các bài còn lại, ví dụ câu 4. "Ghép thành ngữ ở cột bên trái với nghĩa tương ứng ở cột bên phải. Cho biết các thành ngữ ấy sử dụng biện pháp tu từ nào."
Đây chính là bài tập củng cố kĩ năng nhận biết nghĩa của thành ngữ. Hoặc câu 2: "Thành ngữ ở các câu a, b trong bài tập 1 đều gồm hai yếu tố có quan hệ so sánh với nhau. Hãy tìm thêm một số thành ngữ được cấu tạo theo kiểu như vậy và giải thích nghĩa của chúng." cũng là BT luyện tập và vận dụng. Như thế để dạy về thành ngữ chỉ cần 3 câu hỏi như trên là đã đáp ứng các yêu cầu cơ bản. Các câu khác nếu có thời gian thì thực hành thêm, không có thì có thể bỏ hoặc yêu cầu HS làm ở nhà.
Với định hướng dạy học TV cần giúp cho đọc hiểu nên phần TV ngoài việc tập trung vào đơn vị chính ( thành ngữ) còn góp phần ôn lại các đơn vị đã học có trong VB đọc ở bài học ấy, vì các đơn vị TV có trong tất cả các bài đọc. Ví dụ câu 6 ( về biện pháp so sánh) trong bài học này chỉ là các yêu cầu mang tính chất ôn lại, vì thế không phải là trọng tâm, có thể tích hợp vào dạy đọc hiểu. Như thế khi soạn bài GV cần xem bài học này đơn vị kiến thức TV nào là chính để xác định nội dung cốt lõi cần dạy.
Về thời lượng, với sách NV6 (CD) trung bình TV ở mỗi bài có thời lượng từ 1-2 tiết. Những bài 1 tiết, GV tùy vào đối tượng HS và nội dung phần TV để có thể điều chỉnh lên 2 tiết để dạy phần TV. Giờ điều chỉnh có thể lấy từ giờ dự trữ ( 8-10 tiết của cả năm) hoặc bớt giờ của bài đọc hiểu của những bài có VB đọc ngắn.
Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học TV cũng cần lưu ý không nên hỏi về lí thuyết (như: hãy nêu định nghĩa thành ngữ), chỉ hướng tới 3 yêu cầu, Ví dụ: i) cho mấy câu trong đó có câu chứa thành ngữ để HS nhận biết; ii) yêu cầu phân tích tác dụng của thành ngữ và iii) viết đoạn văn có sử dụng thành ngữ ấy.
Thay đổi CT và SGK lần nào cũng cần một thời gian GV mới quen với cách dạy và các yêu cầu mới. Lần này khi triển khai, do dịch bệnh covid 19, công tác bồi dưỡng GV chưa kĩ, thời gian bồi dưỡng rất ít, lại qua trực tuyến, hiệu quả rất hạn chế, nên GV càng khó khăn hơn. Trong bối cảnh ấy, các thầy, cô băn khoăn là đúng, nhưng hãy bình tĩnh, nghiên cứu kĩ sẽ thấy không có vấn đề gì lớn … rồi sẽ ổn thôi. Gần đến ngày 20-11, chúc tất cả các thầy, cô giáo luôn mạnh khỏe, an lành.
Ý kiến bạn đọc: