Dạy học không sách giáo khoa? Cần đột phá khâu nào để chương trình phổ thông mới thành công?

  • 27/01/2019 | 12:20 GMT+7
  • 2.656 lượt xem

Tác giả từng là chuyên viên môn Tiếng Anh của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, bây giờ đang tham gia tư vấn cho các tập đoàn. Chị là người mẹ có con gái lớn đang du học tại Mỹ với học bổng toàn phần và một "cu" đang học trường quốc tế ở quận 7.

Bài viết không có tính chất của một nghiên cứu khoa học mà chỉ thuật lại những gì mà cậu con trai đã trải nghiệm tại trường quốc tế và từ đó suy ngẫm ra vấn đề muốn trao đổi với các bạn. Tác giả sau khi chia sẻ trên trang cá nhân đã gửi cho chúng tôi bài viết để chia sẻ với cộng đồng.

DẠY HỌC KHÔNG SÁCH GIÁO KHOA

Chị Nguyễn Hồ Thuỵ AnhChị Nguyễn Hồ Thuỵ Anh
(Bài này được viết khi nhận được tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức viết sách tích hợp các môn học; các trường đang gặp vấn đề với việc thiết kế chương trình ngoại khóa).

Cu con đi học: một laptop, 1 nón, một bình nước. Trước khi cho học sinh sử dụng laptop, nhà trường tổ chức buổi họp, hướng dẫn phụ huynh cách cùng con thỏa thuận, kiểm soát và làm chủ việc sử dụng lap top như thế nào ( rảnh mình kể thêm về việc chuẩn bị này).
Tuyệt đối không hề có sách giáo khoa. Sách giáo khoa duy nhất là những quyển truyện giáo viên yêu cầu học sinh đọc 30 phút mỗi ngày. Truyện được yêu cầu đọc là truyện đọc có hình vẽ minh họa , tùy theo cấp lớp mà phần chữ nhiều hay ít. Đến lớp 4, là bắt đầu đọc truyện dài toàn chữ và chữ thôi. Nhà trường không khuyến khích trẻ đọc comic book. Những ngày đầu, ông xã bảo phải hỏi thầy cô xem thế nào chứ, không có sách giáo khoa thì kèm con học thế nào? Dạy con thế nào? Trao đổi với thầy cô ở trường Cu thì được bảo vào power school- mỗi phụ huynh được cung cấp một account – sẽ được biết chi tiết những gì đang diễn ra trong lớp học, bài tập về nhà là gì… 
Tác giả với các học trò nhí Tác giả với các học trò nhí

Toàn bộ chương trình Cu con học được thiết kế thành từng chủ đề: Chủ đề của học kỳ mùa xuân là "The essence of life" (tạm dịch là cốt lõi cuộc sống). Cu được học về Tháp nhu cầu của Maslow, sơ đồ 5 Ps ( place, past, people, peace và politics) và cùng cả lớp tìm hiểu tại sao trên thế giới có nước giàu có nước nghèo? . Mỗi học sinh chọn một đất nước mình thích và viết một bài phân tích sử dụng kiến thức về tháp nhu cầu của Maslow và 5 Ps. Sau đó, Cu và cả lớp được đọc một câu chuyện dài có tên là "A long walk to water" kể về hành trình trở về quê hương Sudan để làm việc có ý nghĩa: khoan giếng, tìm nước sạch của một thanh niên Sudan, dân tị nạn chính trị tại Mỹ do nội chiến. Tiếp theo là một cuộc đi bộ minh họa cho "A long walk to water"- cả khối gồm bốn lớp được các thầy cô dẫn đi bộ từ trường đến chân một cây cầu cầu, mang theo thùng nhựa, học cách quăng thùng nhựa xuống và lấy nước lên mang về trường, theo đúng kiểu người nông dân thả gàu múc nước như thế nào? Nước lấy từ chân cầu sẽ được đưa vào phòng thí nghiệm, Cu và các bạn sẽ học cách làm sao để biến nước dơ thành nước sạch, và trên thế giới khan hiếm nước sạch ra sao, những nơi đâu trên thế giới đang đi đầu trong việc tái chế nước. Chưa hết, sau khi đọc xong "A long walk to water" Cu và các bạn cùng cô phân tích các vấn đề của Sudan dưới góc nhìn của Maslow và 5Ps, và được hướng dẫn cách viết tin, theo kiểu làm báo, nhưng viết dưới dạng nghiên cứu nho nhỏ về bất kỳ một vấn đề xã hội. Cu chọn đề tài : Dân nhập cư - Vấn đề và cách giải quyết (giới hạn đề tài: dân nhập cư từ Châu phi đến Châu Âu). Cu học cách đặt tựa bài cho thật hay nên đề tài của cu mang tên: MAC = Making A Change – Refugee Crisis.
Đề tài của con trai tác giả Đề tài của con trai tác giả
Cu mười tuổi, học lớp 5, một trường quốc tế ở quận 7.
Do đó, mình không tin có một quyển sách giáo khoa nào đó mà có thể tích hợp toàn bộ nội dung dạy học.
Do đó, muốn có một nền giáo dục hiện đại nhưng cứ mãi loay hoay với việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa. Mình cho là định hướng và tiến hành có gì đó không ổn.
Do đó, mình tin muốn chương trình giáo dục phổ thông thành công, khâu đột phá phải là khâu người thầy!

Có thời gian, mình sẽ viết bài phân tích sâu hơn về Dạy học không sách giáo khoa.

Nguyễn Hồ Thuỵ Anh

BigSchool: Theo tư liệu, được biết: Vương quốc Anh khác biệt với thế giới là trường công không bắt buộc dùng sách giáo khoa (textbooks). Nói chính xác hơn thì tính đến giai đoạn 2013-15, chỉ 8-10% học sinh cấp 2 ở Anh đôi khi được giáo viên dùng sách giáo khoa toán lý hóa như hướng dẫn (guide). Sách giáo khoa từng có mặt trong trường học Anh ở dạng "tài liệu tham khảo" nhưng đã trở nên lỗi mốt và số lượng bán ra giảm đi. Hy vọng tác giả sớm hoàn thành bài viết phân tích sâu hơn về "Dạy học không sách giáo khoa" để chia sẻ cùng chúng ta.

 

 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.