Chiều 11.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, QH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Các đại biểu đã quan tâm tới những điều gì?
Các ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định), Đinh Thị Bình (Phú Thọ), Y Nhàn (Kon Tum) nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, nhằm thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước; phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập về điều chỉnh pháp luật đối với giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) trong thời gian qua để giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong phát triển GD-ĐT, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nếu không sửa đổi kịp thời Luật Giáo dục, sẽ khiến nền giáo dục nước ta bị tụt hậu. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Phương lưu ý, dự thảo Luật chưa đưa ra triết lý xây dựng nền giáo dục nước ta. Nhiều quốc gia trên thế giới đều có triết lý giáo dục, từ đó xây dựng mục tiêu của nền giáo dục. Triết lý giáo dục là định hướng của nền giáo dục, nên được xây dựng với cụm từ ngắn gọn, dễ nhớ và dễ thực hiện.
ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định). Ảnh: ĐBND
Liên quan đến thí điểm trong lĩnh vực giáo dục, nhiều ĐBQH cho rằng, vì thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, hạn chế. Một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội. Không ít phụ huynh đều phải thốt lên "tại sao lại mang con tôi ra làm chuột bạch để thí điểm", ĐBQH Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) thẳng thắn. Thí điểm, thực nghiệm tức là làm thử, không hiệu quả thì lại chuyển sang cách làm khác, trong khi học sinh lại học thật, học thực nghiệm không được, chả nhẽ lại học lại? Chỉ ra điểm bất hợp lý này, ĐB Dương Minh Tuấn đề nghị, dự thảo Luật cần quy định về tổ chức thí điểm, thực nghiệm theo hướng rõ đối tượng thí điểm và ấn định cơ sở thực hiện thí điểm, cấp có thẩm quyền cho phép thí điểm giáo dục. Trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chương trình/kế hoạch thực hiện thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực này.
ĐBQH Y Nhàn (Kon Tum). Ảnh: ĐBND
Một vấn đề được dư luận chú ý thời gian vừa qua, đó là tình trạng giá thành sách giáo khoa mỗi nơi một khác. Nhiều ĐBQH nêu thực tế. việc có nhiều bộ sách giáo khoa không biết "nên khen hay nên chê". Vì rằng, mỗi trường áp dụng một bộ sách giáo khoa, liệu rằng Bộ trưởng Bộ GD - ĐT có đảm đương được việc tập huấn cho giáo viên, mà mỗi giáo viên lại giảng dạy một bộ sách giáo khoa (?). Hơn nữa, việc soạn thảo một bộ sách giáo khoa không phải dễ, không phải ai cũng soạn thảo được; đưa bộ sách đến nhà trường cũng phải qua rất nhiều khâu biên soạn, thẩm định, phê duyệt. Vậy bao nhiêu bộ sách giáo khoa sẽ là đủ? Một số đại biểu không khỏi băn khoăn, khi thực tế, có trường sách giáo khoa lớp 6 chỉ khoảng 14.500 đồng/1 quyển, nhưng cơ sở giáo dục khác lại chọn hai cuốn sách giáo khoa cho cùng một bộ môn với giá 140 nghìn hai cuốn (?). Cùng một địa bàn, hai trường cạnh nhau, nhưng sách giáo khoa lại quá khác nhau, giá thành cũng vậy. Ngoài ra, còn thực tế nữa, đó là có nơi, một trường học mỗi năm một cuốn sách/môn, có trường một năm học 4 cuốn sách/môn; giá sách trường học 4 cuốn/môn ước tính đắt gấp 5 lần trường học một cuốn/môn.
ĐBQH Đinh Thị Bình (Phú Thọ). Ảnh: ĐBND
Nếu vẫn áp dụng, mỗi trường lựa chọn một chương trình sách giáo khoa riêng, thì dự thảo Luật nên có quy định, giá sách giáo khoa giữa các trường không chênh lệch quá 10%, ĐB Dương Minh Tuấn đề nghị.
Dù đây chỉ là kết quả khảo sát trong một diễn đàn ở phạm vi hẹp nhưng tính chất đại diện và mức độ phổ biến của nó có lẽ là điều mà ai cũng có thể cảm nhận được, nhìn thấy được. Bởi hơn hết, những nỗi lo và mong ước của các em học sinh tham gia khảo sát này đã phản ánh chân thực khoảng tối trong giáo dục phổ thông của nước ta khi "căn bệnh" thành tích vẫn phổ biến và đè nặng lên tất cả các chủ thể tham gia vào nền giáo dục: Từ các nhà quản lý, các thầy giáo, cô giáo đến các em học sinh và các bậc phụ huynh.
Sự chống chếnh, mơ hồ trong việc xác định những giá trị cốt lõi của triết lý giáo dục mang bản sắc Việt Nam cùng với tâm lý chạy đua theo thành tích như vậy là căn nguyên sâu xa khiến cho giáo dục cứ loay hoay từ thí điểm này sang thí điểm khác và càng đổi mới lại càng làm nảy sinh những hoang mang, nghi ngại. Đó cũng là lý do vì sao, khi chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Kỳ họp thứ Năm này, nhiều ĐBQH đã gắt gao đòi hỏi "tư lệnh" ngành giáo dục phải trả lời cho được triết lý giáo dục của Việt Nam là gì, có giải pháp căn cơ nào để xử lý dứt điểm căn bệnh thành tích trong giáo dục hay không? Tiếc rằng, tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chưa có câu trả lời thỏa đáng cho cả hai vấn đề hệ trọng ấy. Và với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được trình QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này, các ĐBQH cũng chưa thể tìm được câu trả lời.ĐBQH Đặng Thuần Phong. Ảnh: VietTimes
Dù đã được chuẩn bị khá công phu, chỉnh sửa rất nhiều nội dung nhưng dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, như đánh giá của nhiều ĐBQH, chưa giải quyết được những điểm nghẽn nhất của giáo dục hiện nay và vì thế, những giải pháp đặt nền móng cho việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục vẫn còn mơ hồ. Dự luật vẫn nặng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nặng về đầu tư phương tiện phục vụ cho học tập và giảng dạy… Nhưng "đổi mới hoài đến nay cũng vẫn chưa xác định được chương trình, sách giáo khoa nào là chuẩn. Các trường đua nhau phấn đấu đạt chuẩn quốc gia, đầu tư tiền bạc lớn lắm nhưng không ít nơi đầu tư xong rồi phương tiện, kỹ thuật cũng đắp chiếu để đấy…", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong chỉ rõ.
Trong khi đó, dự luật vẫn đặt ra những quy định cứng nhắc, mang tính khuôn mẫu từ phẩm chất, năng lực của người học ở mỗi cấp học đến nội dung, phương pháp giáo dục. Mỗi trẻ có một nhu cầu, khả năng, sức khỏe và ước mơ của riêng mình nhưng chúng ta đang giáo dục các em giống hệt nhau, hướng đến một thành tích giống nhau. “Điều chúng ta đang cần cho tương lai đất nước là một thế hệ sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ, tiếp nhận tri thức, có tư duy phản biện tốt và có khả năng kết nối”. Nhấn mạnh điều này, ĐB Phạm Thị Minh Hiền cũng cho rằng, chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt ngay trong quá trình truyền thụ và tiếp nhận tri thức, thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá về năng lực của cả người học và người dạy, tạo môi trường thuận lợi nhất, cởi mở nhất để thầy giáo, cô giáo và các em học sinh có thể cùng nhau xây dựng tri thức thay vì "thầy thì cố giảng cho hết giáo trình, giáo án còn trò thì cố nhồi nhét kiến thức để đi thi, để đạt điểm cao, thành tích cao"… như hiện nay.
"Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" là khẩu hiệu rất ý nghĩa, rất quen thuộc ở tất cả các cơ sở giáo dục, từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cả công lập và ngoài công lập… Sửa đổi Luật Giáo dục, có lẽ cũng nên bắt đầu bằng tinh thần ấy và hướng đến mục tiêu ấy.
Ý kiến bạn đọc: