Công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi bằng cách nào?

  • 30/08/2019 | 06:51 GMT+7
  • 21.671 lượt xem

Việc công nhận các danh hiệu "Giáo viên dạy giỏi", "Giáo viên chủ nhiệm giỏi" lâu nay có khá nhiều điều đang được trao đổi đa chiều trên mạng xã hội và các diễn đàn giáo dục. Bộ GD&ĐT đã dự kiến điều chỉnh các vấn đề bất cập để ra Thông tư mới.

Chúng ta cùng nhìn lại vấn đề này và trao đổi thêm về các dự kiến của Bộ GD&ĐT.

Hình thức thi hiện nay không còn phù hợp

Ngày 16/1/2019, sau việc dư luận phản ánh về việc thi giáo viên giỏi ở Hải Phòng, TS. Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT - Trưởng Đoàn công tác làm việc trực tiếp với lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải phòng - đã trao đổi với phóng viên báo Thanh Niên:
TS. Thái Văn TàiTS. Thái Văn Tài
Khảo sát thực tế tại cụm thi Trường tiểu học TT.Tiên Lãng (H.Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) và trao đổi trực tiếp với giáo viên cho thấy giáo viên rất mong muốn có sự điều chỉnh, bổ sung các nội dung tại Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT về Điều lệ thi giáo viên dạy giỏi, để hội thi diễn ra một cách nhẹ nhàng, thực chất, giảm áp lực cho giáo viên (GV) tham gia dự thi và công tác tổ chức.

Thực tế cho thấy, nội dung và hình thức thi GV dạy giỏi không còn phù hợp: sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép; bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước dẫn tới luyện thi, ôn thi; thi thực hành 2 tiết, trong đó có 1 tiết thực hành, 1 tiết tự chọn đều được chuẩn bị trước, dẫn tới tình trạng "diễn" trong các hội thi. Bên cạnh đó, đối tượng và điều kiện tham dự hội thi GV dạy giỏi các cấp cũng cần được đánh giá lại, điều chỉnh cho phù hợp để không gây áp lực cho giáo viên khi tham gia dự thi. Việc sử dụng kết quả của hội thi trong đánh giá xếp loại của đơn vị và cá nhân cần phải được nghiên cứu áp dụng cho phù hợp, tránh gây áp lực không cần thiết về thi đua và bệnh thành tích...
TS. Thái Văn Tài khẳng định: "Những ý kiến này đã được tổ công tác chúng tôi ghi nhận và tiếp thu để tham mưu cho Bộ trưởng."

Bỏ hay không bỏ việc công nhận giáo viên dạy giỏi?

TS. Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường PTNK, ĐH KHTN, ĐH QG TP HCM: "Nên bỏ. Trường nào thích có thể làm ở cấp trường. Các cấp khác chắc chắn là sẽ đánh giá không đầy đủ, hình thức và mang tính biểu diễn."
Chị Minh Lê, con gái của nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, đang định cư ở CHLB Đức cho biết: "Cháu thấy bên này xưa nay đều không có danh hiệu "Giáo viên giỏi", "Giáo viên chủ nhiệm giỏi"."
Nhà giáo Tô Thuỵ Diễm Quyên nêu ý kiến: "Nên bỏ. Các cuộc thi này phản động lực, nặng về trình diễn, cả trường giúp giáo viên diễn."
TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT  Đại học FPT đề nghị: "Bỏ. Cũng như các cán bộ, công chức không có danh hiệu "Cán bộ giỏi", "Công chức giỏi" cũng có sao?"
Đa số các ý kiến đề nghị bỏ đều thấy kiểu thi hiện nay có rất nhiều bất cập, tạo dư luận xấu trong xã hội, thậm chí còn gây mất đoàn kết ở các nhà trường.

TS. Lê Thống Nhất cho biết: "Có lần được Bộ GD&ĐT mời chấm thi Hội thi Giáo viên giỏi tiểu học cấp quốc gia cho khu vực miền Nam tổ chức ở Tây Ninh. Trên phiếu chấm GV dạy có nhiều mục và giám khảo phải cho điểm từng mục. Thực ra dự trong 1 tiết 35 phút chính tôi cũng rất khó cho điểm. Điều rõ nhất là GV trở thành diễn viên, bởi trong thực tế tôi cũng không dạy theo kiểu "lên gân" ấy. Hầu như GV nào cũng trình chiếu để tỏ ra áp dụng công nghệ thông tin, bởi thang điểm chấm có chuyện này. Tôi cũng chưa dạy theo kiểu trình chiếu này bao giờ. Cuối tiết, ban giám khảo có cho bài kiểm tra 15' để đánh giá học sinh nhưng bài làm của học sinh liệu có phải là kiến thức trong tiết vừa học hay không cũng khó mà khẳng định. Điều lưu ý là các giám khảo địa phương cho điểm thấp hơn các giám khảo là các chuyên gia do Bộ GD&ĐT mời. Đây cũng thêm một chút nghi ngờ về tính "ăn thua" trong chấm thi. Tôi không đồng tình với kiểu diễn này để đánh giá năng lực giảng dạy của GV."
Theo TS. Lê Thống Nhất: "Có danh hiệu "Giáo viên dạy giỏi", "Giáo viên chủ nhiệm giỏi" là rất tốt, tạo động lực cho giáo viên có năng lực phấn đấu nâng cao trình độ, đặc biệt là trong giai đoạn triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới. Nếu mọi giáo viên chỉ phấn đấu đạt chuẩn thôi mà không có những GV giỏi được tôn vinh thì rất dễ diễn ra cảnh "hoà cả làng" trong "làng giáo". Điều quan trọng là chúng ta phải làm bằng cách nào để các GV được trao danh hiệu này là thực chất, được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh khâm phục. Bài toán khó ở đây cần được các chuyên gia, các nhà giáo trao đổi để Bộ GD&ĐT điều chỉnh những bất cập."

Bà Cù Thị Thủy, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD, Cục Nhà giáo và Cán bộ QLGD, Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm: "Cũng như các ngành nghề khác, đối với nghề nghiệp GV rất cần có hoạt động chuyên môn. Qua các hoạt động chuyên môn như hội thi GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi đã chọn được những GV có năng lực, để từ đó tạo nên một đội ngũ GV cốt cán trong hoạt động chuyên môn, đáp ứng với nhu cầu thực tiễn và đổi mới giáo dục. Đồng thời, có tổ chức thi mới tạo nên khí thế thi đua, góp phần tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới GD. Chúng ta không thể phủ nhận toàn bộ hiệu quả của hoạt động này, vì nó vẫn có những mặt tích cực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để tránh hình thức "diễn" thì cần có những chế tài hợp lý, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Chủ trương là vẫn duy trì việc công nhận GV giỏi nhưng cách thức gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Hội thi GV giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi cũng có thể còn nhưng là tạo "sân chơi" lành mạnh để những GV giỏi thật (đã được tôn vinh) tâm huyết chia sẻ/truyền kinh nghiệm cho đồng nghiệp tham khảo, học tập. Từ đó, tạo phong trào thi đua dạy tốt."

Điều lệ thi giáo viên dạy giỏi cần sửa điều gì?

Chiều 17/1/2019, TS. Lê Thống Nhất đã tham gia chương trình "Dòng chảy sự kiện" phát trực tiếp trên VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam và cùng trao đổi với TS. Hoàng Đức Minh xoay quanh việc tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi trước những câu hỏi của phóng viên.
TS. Lê Thống Nhất, TS. Hoàng Đức Minh chiều 17/1/2019 tại VOV.TS. Lê Thống Nhất, TS. Hoàng Đức Minh chiều 17/1/2019 tại VOV.
Trước câu hỏi: Điều lệ thi giáo viên dạy giỏi cần sửa điều gì? TS. Lê Thống Nhất đề nghị:
"- Bỏ yêu cầu: "Giáo viên dạy giỏi phải có sáng kiến kinh nghiệm", bởi giáo viên có thể tiếp thu sáng kiến, tiến bộ của khoa học giáo dục ở Việt Nam và trên thế giới để áp dụng vào việc dạy học đạt hiệu quả tốt chứ không hẳn phải tự nghĩ ra. Đưa yêu cầu này vào vừa không thực tế, vừa tạo nên sự gian dối khi sao chép hoặc nhờ người khác, thậm chí cả một tập thể để viết.
- Bỏ việc dạy 2 tiết để hội đồng giám khảo đánh giá, bởi đánh giá giáo viên dạy giỏi không cần và không đủ qua 2 tiết dạy.
- Đưa ra phương pháp đánh giá 3 tiêu chí:
+ Kiến thức chuyên môn giỏi
+ Phương pháp sư phạm giỏi
+ Hiệu quả giảng dạy tốt (thông qua đánh giá sự tiến bộ của học sinh)."
Tuy nhiên việc đánh giá sự tiến bộ của học sinh là rất khó, bởi ngay đánh giá học sinh như thế nào cho đúng cũng đang là vấn đề mà ngành giáo dục chưa tháo gỡ xong."

Một ý kiến phản biện ý kiến của TS. Lê Thống Nhất: "Sự tiến bộ của học sinh nhiều khi không chỉ do giáo viên đứng lớp quyết định mà nhờ các giáo viên khác dạy thêm cho học sinh thì sao?". Thế mới biết việc đưa ra sự điều chỉnh là không dễ chút nào. Bản thân TS. Lê Thống Nhất cũng "chịu gthua" ý kiến phản biện mình.

Trước ý kiến của cộng đồng mạng xã hội: "Cứ lấy ý kiến của phụ huynh và học sinh là chuẩn nhất. Tổ chức cho phụ huynh và học sinh bỏ phiếu bầu" đã có nhiều ý kiến phản biện: "Việc bầu của học sinh đôi khi chỉ là cảm tính, đôi khim bỏ phiếu cho thầy cô do thích tính nết hay phong cách chứ chưa hẳn đã vì thầy cô dạy giỏi. Đây không phải là cách "đo lường" chính xác."

Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh như thế nào?

- Tại cuộc họp báo định kỳ ngày 25/3/2019, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT - cho biết bộ đang xây dựng dự thảo sửa đổi quy định về thi "giáo viên dạy giỏi", "giáo viên chủ nhiệm giỏi"... Sửa đổi cơ bản sẽ là chuyển từ thi sang xét, dựa vào các tiêu chí cốt lõi của chuẩn đã ban hành.

Cụ thể, GV chủ nhiệm giỏi gắn với các tiêu chí cốt lõi về giáo dục, GV dạy giỏi gắn với tiêu chí về giảng dạy trong chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

"Việc xét GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm giỏi sẽ được xem xét qua sự tiến bộ của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, học sinh và cộng đồng" - ông Hoàng Đức Minh khẳng định.

Cũng theo ông Minh, dù hướng là "chuyển từ thi sang xét" nhưng những hoạt động thi, giao lưu, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên sẽ duy trì nhằm chia sẻ kinh nghiệm, khích lệ sáng tạo.

"Việc xét GV giỏi nhằm mục đích tôn vinh nhà giáo, lan tỏa sự đổi mới, sáng tạo của GV chứ không gắn với thi đua của ngành để giảm áp lực cho GV." - ông Minh khẳng định.

Hiện dự thảo này đang hoàn thiện để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Theo ông Hoàng Đức Minh, trước khi xây dựng dự thảo Bộ GD-ĐT đã có sự rà soát, kiểm tra thực tế, lấy ý kiến của các cơ sở, GV nhiều vùng miền để đánh giá những mặt tích cực cũng như tiêu cực xung quanh việc thi GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm giỏi.

- Ngày 27/8/2019, trao đổi với phóng viên báo Giáo dục & Thời đại, bà Cù Thị Thủy - Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT -  thành viên Ban soạn thảo Thông tư mới cho biết:
Bà Cù Thị Thuỷ Bà Cù Thị Thuỷ
"Ban soạn thảo đề xuất xây dựng Thông tư mới quy định công nhận GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông và GD thường xuyên với những điểm đáng chú ý:

Thứ nhất: Bãi bỏ hết các bất cập đã nêu trên, bỏ liên hoan GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm giỏi toàn quốc, chỉ còn công nhận GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh.

Thứ hai, về điều kiện công nhận là GV dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh: Đạt chuẩn nghề nghiệp GV mức khá (GV dạy giỏi thì yêu cầu tiêu chí chuyên môn phải ở mức tốt; đối với GV chủ nhiệm lớp giỏi thì tiêu chí về GD đạt mức tốt).

Thứ ba, về phần thi: Đối với GV dạy giỏi: Thực hành một hoạt động chơi - tập (đối với GV nhà trẻ), một hoạt động học (đối với GV mẫu giáo) theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Thực hành dạy học một tiết dạy (đối với GV phổ thông) theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi; Đối với GV chủ nhiệm lớp giỏi: Thực hành một tiết tổ chức hoạt động trải nghiệm (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết hoạt động trải nghiệm tổng hợp) trong kế hoạch GD của trường và của GV tại thời điểm diễn ra hội thi.

GV dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy/hoạt động giáo dục trong thời gian không quá 3 ngày trước thời điểm thi dạy và được tổ chức tại lớp học với nguyên trạng số lượng HS của lớp. Không được dạy thử/thực hành tiết học/hoạt động tham gia hội thi ở bất cứ đâu trong năm học tổ chức hội thi, đồng thời là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức cho HS tại lớp học đó. Và trình bày một báo cáo chuyên đề trước Ban giám khảo, thời lượng không quá 30 phút, thể hiện biện pháp đã thực hiện có hiệu quả nhất trong hoạt động dạy học/giáo dục HS của cá nhân tại cơ sở GD mà GV đang công tác. Chuyên đề báo cáo phải là lần đầu tiên tham gia hội thi, chưa được dùng để xét duyệt thành tích cá nhân trước đó.

Thứ tư, nguyên tắc của hội thi: Dựa trên nguyện vọng tự nguyện của GV; không ép buộc, không tạo áp lực cho GV tham gia hội thi; Đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Tuyệt đối không có hành vi vụ lợi trong hội thi. Nghiêm cấm tổ chức hội thi trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành; nghiêm cấm lợi dụng danh hiệu GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi của cá nhân GV để vụ lợi cho thành tích của nhà trường.

Thứ năm: Giao quyền tự chủ cho địa phương về quy định số lượng GV tham gia hội thi các cấp do trưởng ban tổ chức hội thi quyết định, căn cứ tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và ngân sách của địa phương hàng năm; kể cả thời gian và địa điểm tổ chức hội thi sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ sở. Điều này có nghĩa là các cấp quản lý GD tại cơ sở hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm của mình, không thể đổ lỗi do văn bản. Việc giao trách nhiệm đồng hành với nghĩa vụ như trên là hoàn toàn hợp lý trong giai đoạn phân quyền, nhiệm vụ quản lý GD hiện nay. Đặc biệt là đơn giản hóa cách điều hành toàn bộ các hoạt động của hội thi, ra quyết định thành lập Ban giám khảo và các ban, tiểu ban phục vụ hội thi (nếu cần thiết). Các ban và tiểu ban làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của trưởng ban tổ chức.

Việc sử dụng kết quả hội thi là minh chứng để đánh giá, xếp loại thi đua của cá nhân. Danh hiệu GV dạy giỏi là căn cứ để xem xét, thực hiện các chế độ chính sách đối với GV. Các cơ quan quản lý GD địa phương theo thẩm quyền quản lý tổ chức sinh hoạt chuyên môn trên địa bàn thông qua việc GV được công nhận GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi báo cáo tiết dạy, tổ chức hoạt động GD tham dự hội thi nhằm lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm dạy tốt.

Làm được như vậy mới đánh giá được cả quá trình giảng dạy, GD trẻ em/HS của GV và việc công nhận GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi mới xác thực và công bằng, không tiêu cực."

BigSchool: Thông tư ban hành Điều lệ mới về "Giáo viên dạy giỏi", "Giáo viên chủ nhiệm giỏi" đang được Ban soạn thảo đưa ra trao đổi. Rất mong các chuyên gia giáo dục, các thầy cô và những ai quan tâm tới việc này trao đổi để có thể tư vấn thêm cho Ban soạn thảo và chúng tôi sẽ chuyển giúp các ý kiến của các bạn.

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.