Chuyện ngoài lề cuộc gặp với Phó Thủ tướng và suy nghĩ của tôi

Chắc bạn đã đọc bài lược ghi của tôi về cuộc gặp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các chuyên gia giáo dục cùng lãnh đạo của Bộ GD&ĐT và cũng xem chương trình Thời sự 19h00 của Đài Truyền hình Việt Nam tối 31/7. Chia sẻ thêm với các bạn đôi điều.

Khó khăn khi viết bản lược ghi về cuộc gặp

May mắn làm sao khi bức thư ngỏ tôi gửi cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lại được một chuyên gia gửi ngay tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Cũng may mắn làm sao chỉ sau ít ngày tôi nhận được giấy mời dự cuộc gặp tại Phòng họp 1 Văn phòng Chính phủ. Phó Thủ tướng đã nói riêng với tôi: " Khi mời anh, một số anh em bảo "ông này" phản biện ghê lắm!". Thế mà Phó Thủ tướng vẫn mời không phải vì "dũng cảm" mà vì đang cần những ý kiến phản biện trực diện. Xin cảm ơn Phó Thủ tướng về điều này. Đây là cuộc gặp rất cởi mở và thẳng thắn của tôi với một vị lãnh đạo Chính phủ.
Phó Thủ tướng chia sẻ lúc nghỉ giải lao. Ảnh: Quách Tuấn NgọcPhó Thủ tướng chia sẻ lúc nghỉ giải lao. Ảnh: Quách Tuấn Ngọc
Ngay sau cuộc gặp, với "trọng trách" lược ghi lại cuộc gặp là một điều rất khó với một thầy giáo dạy Toán. Tôi đã phải nghĩ ngợi, mở các đoạn ghi âm khá dài để hồi tưởng lại không khí cuộc gặp và mất khoảng 4 tiếng để viết. Vẫn không yên tâm bởi sợ sự chủ quan của mình mà không phản ánh hết và đúng tinh thần cuộc gặp tôi đã tạo nhóm thảo luận với TS. Quách Tuấn Ngọc, TS. Lê Trường Tùng, TS. Lương Hoài Nam, GS Nguyễn Hữu Đức để gửi bản viết đầu tiên để các anh góp ý. Cẩn thận hơn, tôi đã gửi cho cả Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn trinh ngay lúc nửa đêm. Báo Tuổi trẻ rất muốn có bài viết cho báo in ngày hôm sau nhưng tôi đành lỡ hẹn: "Với thời hạn 22h thì anh không thể có bài..."

Có rất nhiều ý kiến xoay quanh mỗi vấn đề bởi vậy tôi quyết định không ghi "tác giả" của ý kiến, đây cũng là điều có vẻ một vài báo không thích vì lâu nay phải là đích danh ai nói và một số nhà báo vẫn cứ phải phỏng vấn cụ thể 1, 2 chuyên gia để có tên "tác giả" (!) như nếp quen hàng ngày tác nghiệp. Cũng rất may là không có ý nào "chệch" khỏi lược ghi của tôi.

Khó khăn hơn là có phản ánh mọi ý kiến hay không? Xin thú thực là đã phản ánh đến 95% thông tin có trong và ngoài lề cuộc gặp, bởi còn 5% vẫn cần giữ lại vì những lý do khác. Bởi bản lược ghi cũng không nhất thiết phải là 100%. 5% ấy nó là riêng tư mà thôi.

Trao đổi với các chuyên gia góp ý đến 2h sáng và tôi cũng phải thiếp đi nhưng lại bật dậy lúc 6h00 vì chuông điện thoại đến từ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Thông tin này cũng cần phải nói thực để các bạn biết: Bộ trưởng chỉ xin đổi 1 từ mà thôi và tôi thấy việc thay từ này không ảnh hưởng nhiều tới bài viết nên OK.

Khi trao đổi với các nhà báo 

Kể chuyện này cũng giúp các bạn hiểu thêm về cuộc gặp.
Các báo liên hệ để xin đăng rất nhiều, lúc đầu tôi yêu cầu đăng nguyên văn nhưng sau cũng chiếu cố với một số báo vì số chữ chỉ cho phép có giới hạn mà đăng 2 kỳ không được nên tôi đồng ý là các bạn có thể thay đổi bố cục và chỉnh sửa nhưng cần trao đổi với tôi. Một số tiêu đề bài mà các bạn sáng tạo tôi đã phải cùng trao đổi vì các bạn chưa đủ hiểu về cuộc gặp, xin kể cho vui:

- "Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gặp gỡ các chuyên gia giáo dục", tôi nói rõ là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mời gặp.
- "Sau tiêu cực Sơn La, Hà Giang kỳ thi THPT quốc gia sẽ thay đổi như thế nào?", đây là tiêu đề có những từ khoá "hot" tuy không phản ánh đủ nội dung cuộc gặp nhưng cũng thông cảm.
- "Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận thiếu sót trong kỳ thi THPT quốc gia", tôi yêu cầu thay Bộ trưởng bởi Bộ GD&ĐT theo đúng tinh thần mà Bộ trưởng đã phát biểu.
- " Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ cắt phách phiếu trả lời trắc nghiệm", một tiêu đề quá nhẹ mà cũng chẳng "hot", tôi yêu cầu thay.
- "Kỳ thi 2 trong 1 có còn nữa không?", rất "hot" nhưng hơi xa nội dung, tôi yêu cầu thay.
- "Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin về thiếu sót và những sửa chữa ở kỳ thi tới", cũng rất "hot" nhưng dễ bị hiểu lầm là Bộ trưởng chủ động thông tin vì thực chất tất cả những gì mà Bộ trưởng phát biểu cuối cùng chỉ là việc thừa nhận những ý kiến của các chuyên gia mà thôi.

Ở đây tôi không bàn đến những bài báo đã đăng không liên hệ với tôi nhưng cũng nên nêu về một tiêu đề "Phó thủ tướng lắng nghe phản biện kỳ thi THPT quốc gia". Qua cuộc gặp tôi nhận thấy Phó Thủ tướng đã lắng nghe trước cuộc gặp vì tất cả các ý kiến của các chuyên gia trên mạng xã hội và báo chí đã được in thành bản tổng hợp gồm 30 điều rất đa chiều (mà chắc Phó Thủ tướng đã cùng trao đổi với cán bộ của mình) in ra phát cho các đại biểu mà cũng vì lắng nghe nên mới có cuộc gặp ngày 30/7/2018.

Ý kiến của tôi trên bản tin Thời sự của VTV

Trong ít phút của phóng sự rất ngắn mà VTV nói về cuộc gặp, tôi được 23 giây. Vâng 23 giây cũng đủ để rất nhiều bạn kịp chụp ảnh màn hình và gửi cho tôi. Xin chia sẻ kỹ hơn về ý kiến này  và trong cuộc gặp cũng là ý kiến gần cuối cùng của tôi trong 4 lần phát biểu (có 1 ý kiến đầu buổi sáng và 1 ý kiến đầu buổi chiều).
Phát biểu đầu tiên trong cuộc gặp. Ảnh: Đặng Đình NamPhát biểu đầu tiên trong cuộc gặp. Ảnh: Đặng Đình Nam
Tôi đọc được chia sẻ của bạn Phạm Quỳnh trên FB có nhắc đến thông điệp đổi mới thi cử của Singapore: "Không thể gian lận, không dám gian lận, không muốn gian lận, không cần gian lận" và suy nghĩ.

- "Không thể gian lận" khá dễ hiểu vì chắc chắn đó là quy trình và kỹ thuật của việc tổ chức thi cử. Những tiêu cực "động trời" đã phát hiện của kỳ thi THPT quốc gia 2018 chứng tỏ "Có thể gian lận", chứng tỏ quy trình và kỹ thuật rất thiếu sót, chứ không thể nói "ngày càng tốt hơn".
- "Không dám gian lận" là thuộc về quy chế và cả luật pháp. Thi cử ngày xưa thời lều chõng, đã có tiêu cực sửa bài thi và thủ phạm bị tử hình. Theo Vietnamnet (24/7/2018):

"Ngô Sách Tuân (1648-1697), người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng danh tiếng bậc nhất lúc bấy giờ, có cha và anh trai ông cùng đỗ tiến sĩ và làm quan to trong triều. 
Năm 29 tuổi (1676), triều vua Lê Hy Tông, Ngô Sách Tuân thi đỗ tiến sĩ, ông làm quan tới Lại bộ Hữu thị lang.

Dù là bậc đại thần chấn đương thời, Ngô Sách Tuân cuối cùng đã phải đón nhận kết cục bi thảm vì tội tự ý chỉnh sửa bài thi của thí sinh trong kỳ thi nho học năm 1694. Với bản án này, Ngô Sách Tuân vừa mất mạng, vừa để lại tiếng xấu muôn đời."

Trong phiên họp thường kỳ tháng 7 sáng 31/7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất bức xúc về những gian lận vừa qua và đã nhắc cả Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải làm quyết liệt trong việc xử lý những kẻ gian lận. Sự nghiêm minh của luật pháp để làm cho những hành động gian lận liều lĩnh phải chấm dứt.

Nhưng những gian lận ở mức độ khác liệu có chấm dứt không? Chẳng hạn gian lận ở khâu coi thi, liệu các lãnh đạo hội đồng thi, các giám thị, các giám sát có bị "mua" để tạo điều kiện cho bài giải từ ngoài tuồn vào cho thí sinh hay không? Vụ Lạng Sơn, tổ công tác đã kết luận là trong sạch nhưng biết bao người không tin, TS. Nguyễn Văn Khải còn sẵn sàng bỏ tiền của mình để muốn làm rõ việc này. Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội còn chỉ ra trong cuộc gặp việc làm sai quy chế khi bố trí các chiến sĩ cảnh sát cơ động ngồi cùng nhau trong mấy phòng thi tại cùng địa điểm (có phát trong Thời sự tối 31/7).
Phát biểu đầu giờ chiều (chỗ ngồi do PTT chỉ định). Ảnh: Quách Tuấn NgọcPhát biểu đầu giờ chiều (chỗ ngồi do PTT chỉ định). Ảnh: Quách Tuấn Ngọc
- "Không muốn gian lận" là điều mà tôi nghĩ khá lâu. Cuối cùng nghĩ đến việc đào tạo ở Đại học. Nếu các trường Đại học siết chặt kỷ cương để sinh viên phải học thật, thi thật và sẵn sàng loại những sinh viên không đủ năng lực thì chẳng ai muốn gian lận để vào được Đại học. Nhưng thực tế ở Việt Nam điều này còn xa với với khá nhiều trường Đại học, Học viện. Đây là một giải pháp rất then chốt để triệt tận gốc tiêu cực trong thi cử và nâng tâm Đại học của Việt Nam. Đây chính là điều mà Chính phủ, Bộ GD&ĐH và các Bộ có trường Đại học liên quan phải đổ nhiều công sức và phải quyết liệt làm. Nếu thực hiện được ước mơ này thì chúng ta có thể mở cửa đón những ai muốn học Đại học là cứ "đánh trống, ghi tên". Bộ GD&ĐT cũng như các trường Đaị học chả phải lo nhiều tới tổ chức thi tuyển sinh. Chạy điểm trong trường Đại học ở rất nhiều nhiều mức độ đang diễn ra hàng ngày, khi vợ tôi còn dạy ở Học viện Ngân hàng, tôi phải đề nghị là cấm sinh viên đến nhà vì chỉ đến để xin điểm mà thôi. 

- "Không cần gian lận" là điều mà các các phụ huynh có con học tốt hoặc có nhìn nhận đúng trong việc dạy con sẽ nghĩ và quyết làm như vậy. Tất nhiên việc này có thể trả giá khi thi cử tiêu cực làm cho học sinh giỏi hơn vẫn bị trượt mà học sinh kém hơn vẫn đỗ oan. Những phụ huynh đã tiêu cực để con vào được Đại học sẽ nghĩ sao khi con mình biết mình tiêu cực? Bởi con mình là người biết rõ nhất, với năng lực của mình mà đỗ thì có nghĩa là bố mẹ mình đã "chạy". Con sẽ ủng hộ, nhìn bố mẹ tuyệt vời hay sẽ mặc cảm suốt đời về hành động này của bố mẹ? Đừng vì con mà làm con thành nạn nhân tâm lý trong đời con.

Chuyện từ cuộc gặp sẽ còn dài. Mời các bạn đón đọc ở những bài sau. 
Cảm ơn sự theo dõi các bài viết và sự đồng cảm, động viên của các bạn.
Cảm ơn các báo đã đăng bản lược ghi của tôi.

Lê Thống Nhất

Ý kiến bạn đọc: (1)

Na Ca Bộ trưởng nói trên VTV "Ứng dụng công nghệ để hạn chế 1 cách nhỏ nhất sự tác động của con người vào" là sao? Hạn chế nhỏ nhất tức là không hạn chế à!!!

· Trả lời · · 5 năm trước
Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.