Chúng ta đang trao đổi khá nhiều về những bộ sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng có nhiều ý kiến phê phán thẳng thắn về sách giáo khoa hiện hành. Xin chia sẻ bài viết của tác giả Giang Sơn để cùng trao đổi.
Theo thông tư quy định mới nhất về biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa (SGK) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) ban hành, nguyên tắc biên soạn SGK phải: Phù hợp quan điểm, đường lối của Đảng, tuân thủ hiến pháp, pháp luật; cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả của chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, lớp học, môn học và hoạt động giáo dục; gắn với điều kiện cụ thể Việt Nam và phù hợp xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới, bảo đảm tốt nhất lợi ích người học.
Các bài học trong SGK phải tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học làm trung tâm. Người biên soạn SGK phải bảo đảm tiêu chí có trình độ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với SGK được biên soạn; có đầy đủ quyền công dân, phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt. Trong quá trình sử dụng, SGK có thể được chỉnh sửa; Bộ trưởng GD và ĐT là người phê duyệt, cho phép sử dụng SGK…
Trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đang tích cực xây dựng chương trình, SGK mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, việc ban hành các quy định, quy chuẩn liên quan đến biên soạn SGK là cần thiết. Các quy định về biên soạn SGK phải đầy đủ, đưa ra giải pháp kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng sách có nhiều "sạn". Tuy nhiên, những quy định về quy trình, tiêu chuẩn của người viết, thẩm định SGK mới vẫn gây nhiều băn khoăn trong dư luận xã hội. Bởi biên soạn SGK đòi hỏi tác giả không chỉ có kiến thức chuyên môn tinh tường mà còn phải có khả năng hệ thống, khái quát vấn đề, cũng như hiểu được tâm sinh lý và khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh; hiểu được các hoạt động của quá trình dạy - học, tương tác thầy - trò… Vì vậy, quy định chỉ yêu cầu trình độ đại học có thể viết SGK là có phần dễ dãi. Quy định người biên soạn sách am hiểu về khoa học giáo dục nhưng còn chung chung, chưa có chuẩn mực, tiêu chí rõ ràng.
Đáng chú ý, quy định của Bộ GD và ĐT yêu cầu người biên soạn SGK không được tham gia thẩm định SGK; nhưng ở phần tiêu chuẩn người thẩm định SGK lại đòi hỏi phải có kinh nghiệm từng biên soạn SGK. Các quy định về tiêu chuẩn quy trình biên soạn, chỉnh sửa cả về nội dung, phương pháp, cấu trúc, ngôn ngữ của SGK… còn khá sơ sài.
Thực tế hiện nay, học sinh cả nước chỉ học một bộ SGK duy nhất do ngành giáo dục tổ chức biên soạn, tập hợp những chuyên gia hàng đầu, trải qua quy trình đầy đủ chặt chẽ nhưng vẫn để lọt một số chi tiết gây tranh cãi hoặc sai sót. Vì vậy, để thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, Bộ GD và ĐT cần có những tiêu chí về người viết và tiêu chí biên soạn các bộ SGK một cách cụ thể, chi tiết; đồng thời có những quy định chặt chẽ trong kiểm soát công tác biên soạn SGK.
Những tiêu chí về biên soạn SGK cần có quy định chung cho các môn học, lớp học, cấp học; đồng thời có những quy định chi tiết cụ thể riêng cho từng môn học, lớp học, cấp học khác nhau. Đối với đội ngũ biên soạn, cần có những quy định rõ ràng về năng lực sư phạm, về hiểu biết trong khoa học giáo dục, hiểu biết về giáo dục phổ thông, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh… Đáng chú ý, cần siết chặt quá trình thẩm định và kiểm soát chặt chẽ việc phát hành SGK vào nhà trường. SGK cần cụ thể hóa chương trình giáo dục phổ thông bằng những kiến thức, phương pháp, năng lực có tính chuẩn mực. Nếu không kiểm soát tốt, những bộ SGK thiếu chuẩn mực, chất lượng chưa tốt sẽ dễ dàng được đưa vào sử dụng trong dạy học, dẫn đến những tác hại khó lường.
GIANG SƠN
Nguồn: Báo Nhân Dân ngày 21/02/2018
Ý kiến bạn đọc: