Có những điều như hiển nhiên mà vẫn cứ phải bàn đi bàn lại. Xin chia sẻ bài viết của TS. Lê Thống Nhất sẽ trình bày tại Hội thảo Giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng tổ chức vào 22/9/2017.
Bất cứ quốc gia nào cũng đặt giáo dục là quốc sách và luôn tìm ra các giải pháp để giáo dục thành công. Có nhiều giải pháp ở nhiều vấn đề trong giáo dục: chương trình giáo dục, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, phương tiện dạy và học, cơ sở vật chất trường học, mỗi quan hệ giữa nhà trường và gia đình, chế độ chính sách cho giáo viên, yêu cầu về chuẩn giáo viên, …nhưng chìa khoá quan trọng trước hết phải tập trung vào các giải pháp liên quan tới tâm huyết và năng lực của đội ngũ giáo viên.
Ông cha chúng ta thường nói: “Không thầy đố mày làm nên!”.
Bác Hồ đã nói: “ Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than (Hà Nội).
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Nghề dạy học là một nghề cao quí... nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo... vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
Nghị quyết 29-NQ/TƯ đặt ra vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, trong đó mục tiêu quan trọng là đội ngũ giáo viên.
Sáng 19/72017, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Hội Cựu giáo chức Việt Nam, cũng khẳng định: “Nếu không quan tâm đặc biệt đến đội ngũ thầy giáo, cô giáo thì đổi mới giáo dục sẽ không thành công”.
Ngày 14/9/2017, trả lời phóng viên báo Dân Trí, GS. TS. Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa GD Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi nói về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đã nhấn mạnh: “Người thầy là nhân tố hết sức quan trọng”.[3]
Cách đây 400 năm, J.A.Cômen xki đã gọi người giáo viên là người “chuyển giao ngọn đuốc của nền văn minh”, “ sợi dây chuyền giữa các thế hệ” và coi chức vụ mà xã hội trao cho người giáo viên là chức vụ quang vinh mà dưới ánh mặt trời này không có chức vụ nào ưu việt cho bằng. A.Đixtecvec nhận định: “Chính giáo viên là những người gieo hạt giống, không có giáo viên thì thế giới sẽ lùi lại chỗ dã man. K.Đ.Usinxki cũng đã khẳng định: “sự nghiệp dạy học trông bề ngoài thì bình thường, nhưng đó là sự nghiệp vĩ đại nhất của lịch sử loài người” ...
Nhiều lời ca ngợi và nhiều danh hiệu cao quý được trao cho người giáo viên: “ Người kỹ sư tâm hồn”; “viên kim cương của nhân loại”, “ người gieo hạt giống vàng của chân lý”, “ nhà kiến trúc mẫu người tương lai của đất nước” ...[1]
Chức năng trọng yếu của giáo dục là hình thành và phát triển nhân cách con người toàn diện. Lực lượng chủ yếu đảm nhận và thực hiện chức năng ấy là đội ngũ giáo viên. Việc hình thành và phát triển nhân cách cho thế hệ đang lớn lên là trách nhiệm của toàn xã hội, của gia đình và hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó đội ngũ giáo viên có trách nhiệm nặng nề nhất vì họ là những người chuyên trách công việc giáo dục.
Hình ảnh thầy giáo người Dao giảng dạy trong lớp học Bình dân học vụ, xóa mù chữ cho các học trò tại Đà Bắc, Hòa Bình năm 1945. Ảnh : Báo Giao thông.
Người thầy truyền bá cho học sinh lý tưởng và đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, đào luyện họ trở thành những lớp người có ích cho đất nước. Nền văn hoá của nhân loại và dân tộc chỉ được bảo tồn và phát triển thông qua sự lĩnh hội và sáng tạo của thế hệ trẻ. Muốn cho sự lĩnh hội đó của thế hệ trẻ đầy đủ, chính xác, muốn cho nền văn hoá đó biến thành những cơ sở trọng yếu để xây dựng nhân cách cho họ thì họ phải được rèn luyện theo phương thức đặc biệt – phương thức nhà trường thông qua vai trò người thầy giáo. Có thể nói thầy giáo là cái “ dấu nối” giữa nền văn hoá xã hội và việc tái sản xuất nền văn hoá đó ở thế hệ trẻ. Mặt khác, việc hình thành và phát triển nhân cách con người là một quá trình lâu dài, nhưng giai đoạn được giáo dục ở nhà trường là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của nhân cách.Vì vậy, những tác động và kết quả giáo dục của giáo viên đối với học sinh vừa có tác dụng đặt nền móng, vừa có tác dụng định hướng, dẫn dắt cho quá trình phát triển nhân cách. Sự phát triển tương lai của học sinh phụ thuộc nhiều vào kết quả giáo dục của giáo viên. Giáo viên chính là người “ kỹ sư thiết kế nên tâm hồn” học sinh. [1]
Khi mục tiêu giáo dục phổ thông là phát triển hệ thống năng lực, trong đó năng lực tự học, tự phát triển là cốt lõi thì giáo viên không còn đóng vai trò chỉ là người truyền đạt tri thức mà phải chủ yếu là người tổ chức hoạt động tìm tòi tự lực chiếm lĩnh tri thức. Theo đó , giáo viên phải tự học, tự phát triển nghề nghiệp thường xuyên mới đáp ứng được đổi mới giáo dục phổ thông. Khái niệm "thầy" ở đây gắn liền với khái niệm "dạy". Tri thức học sinh tiếp nhận được từ quá trình dạy học mới có hệ thống, toàn diện. Tri thức đó có tác dụng tạo cho học sinh khả năng khuyếch đại vốn hiểu biết ban đầu. Giáo viên vừa là người tổ chức học sinh khám phá kiến thức mới, vừa là tấm gương, là đối tượng để học sinh học tập vì học là một quá trình hoạt động tâm lý.
Người thầy ngày nay không chỉ truyền đạt kiến thức...
Khi công nghệ máy tính, truyền thông phát triển tạo ra thế hệ học sinh thời đại công nghệ muốn có thông tin chỉ ấn nút. Đó là học với máy, với phần mềm, với nội dung số trên Internet. Các đối tượng này khi chưa có trí tuệ nhân tạo thì khó có thể tạo ra tương tác tâm lý như học với thầy. Tạo ra môi trường có tương tác tâm lý không ai thay thế được người thầy. Chỉ khi có tương tác đó mới thực hiện được nguyên lý dạy người thông qua dạy chữ. Tạo được môi trường tương tác tâm lý đúng đắn thì giáo dục mới có chất lượng cao. [2].
- Chế độ tiền lương dành cho giáo viên còn nhiều bất cập đã được phản ánh khá nhiều trên báo chí, các cuộc hội thảo về tiền lương, xin không nhắc lại ở đây. Chắc chắn rằng một cải cách chế độ tiền lương cho giáo viên phải được đặt ra kịp thời với các nhà hoạch định chế độ chính sách. [3]
- Nghề chính của giáo viên là dạy học nhưng hiện nay để nâng cao thu nhập của mình giáo viên bị ngăn cản dạy thêm nên nhiều giáo viên phải làm thêm bằng nhiều nghề khác. Ngành giáo dục cần phân biệt giữa dạy thêm tiêu cực cần xoá bỏ và dạy thêm chính đáng cần khuyến khích để tạo điều kiện cho những nhà giáo chân chính có thêm thu nhập bằng chính nghề dạy học của mình. Tránh tình trạng không quản lý được, không phân loại được mà cấm hẳn dạy thêm.
- Với một số giáo viên khó khăn về điều kiện nhà ở, ngoài chính sách xây dựng nhà công vụ cần vận dụng chính sách nhà xã hội dành cho giáo viên.
Tại điểm trưởng mầm non bản Piềng Cọc (xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An), ngôi nhà này được chia làm đôi, nửa làm phòng học, nửa để cô giáo ở. Ảnh: Báo Dân trí
- Do thu nhập thấp nên đời sống tinh thần của nhiều giáo viên không thể được cải thiện. Nhiều hoạt động tinh thần như tham quan học tập hay đi du lịch trở thành ước mơ khó đạt được của nhiều thầy cô.
- Dân chủ trong trường học cũng là vấn đề gây áp lực về tinh thần đối với giáo viên. Điều này đã được khẳng định tại Hội nghị về quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, sáng 24//2017. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhìn nhận có thực tế văn bản quy chế dân chủ rất nhiều nhưng việc thực hiện tại nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo còn hình thức, sơ sài, chưa hiệu quả, chất lượng chưa cao. Một số cơ sở giáo dục vẫn còn xảy ra tình trạng mất dân chủ, cá biệt có cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo, có tình trạng khiếu nại vượt cấp. Tình trạng “im lặng là vàng” xảy ra ở nhiều nhà trường.
- Quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên hiện nay có nhiều nơi không tốt, dẫn đến những xung đột của phụ huynh với giáo viên cộng với công tác truyền thông theo kiểu “con sâu làm rầu nồi canh” làm cho tinh thần yêu nghề của một số tầng lớp giáo viên bị giảm sút. Nhiều giáo viên chọn cách buông thả cho học sinh vi phạm để giữ an toàn cho mình. Tinh thần “Tôn sư, trọng đạo” ở một số nơi đang bị xuống cấp, vừa có nguyên nhân từ phụ huynh nhưng cũng có trường hợp vì đạo đức giáo viên bị xuống cấp (bắt ép phụ huynh học sinh cho con học thêm hoặc gợi ý những khoản đóng góp vô lý).
Nhiều trường mất dân chủ gây ức chế tinh thần cho giáo viên. Minh hoạ: Báo Tuổi trẻ
Khá nhiều giáo viên cho biết có được sự thăng tiến trong nghề nghiệp về chức danh hay những danh hiệu thi đua là rất khó khăn.
Cần xem lại những yêu cầu đối với giáo viên trong việc thi nâng bậc hoặc phân loại, xếp hạng giáo viên.
Trong bất cứ nghề nghiệp nào thì sự thăng tiến trong nghề nghiệp là một yếu tố tác động tới tinh thần, tình yêu nghề nghiệp, đôi khi còn cao hơn cả thu nhập vật chất.
Đặc biệt trong tình trạng mất dân chủ thì xấu tốt dễ bị đảo ngược nên từ những bất công trong nhà trường dẫn đến một số giáo viên không thấy tương lai thăng tiến của mình.
Hiện tượng một số giáo viên chạy các chứng chỉ, thậm chí kể cả học vị cũng tạo ra sự bất công đối với môi trường thăng tiến của đội ngũ giáo viên.
Theo Bộ GD-ĐT thì trong năm học 2017 – 2018, sẽ xây dựng Bộ chuẩn giáo viên, cán bộ quản lý mới. Tính hợp lý của Bộ chuẩn ở yếu tố chỉnh sửa các bất cập của bộ chuẩn cũ, đáp ứng nhu cầu đổi mới chương trình phổ thông và một điều quan trọng là có công cụ đánh giá khách quan các tiêu chí. Chuẩn đối với cán bộ quản lý cần làm rõ thêm các tiêu chí liên quan tới đạo đức, phẩm chất làm ảnh hưởng tới mất dân chủ trong các đơn vị giáo dục, không ủng hộ những người tốt, lạm thu với phụ huynh, kéo bè cánh làm hỏng môi trường giáo dục.
Với các giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn mà không thể bồi dưỡng để đạt chuẩn thì cần mạnh dạn đưa ra khỏi công việc giảng dạy, quản lý và tách khỏi môi trường giáo dục.
Giải quyết những tác động không tốt từ chính sách, xã hội và nhà trường đối với giáo viên như đã phân tích ở mục 3.
Người thầy được tôn trọng trong xã hội
Hãy coi nghề giáo là một nghề đặc thù để xây dựng Luật Nhà giáo, tách nhà giáo ra khỏi viên chức trên tinh thần xây dựng hình ảnh nhà giáo chân chính xứng đáng với tinh thần “Tôn sư, trọng đạo” từ xưa đến nay.
Phải coi đầu tư cho việc nâng cao trình độ của giáo viên là đầu tư quan trọng nhất trong sự nghiệp giáo dục. Quản lý và hạn chế các lãng phí trong mọi lĩnh vực đầu tư khác trong giáo dục để ưu tiên cho sự đầu tư này.
Chiến lược nâng cao trình độ của giáo viên cần dựa vào 2 con đường:
Cần gắn việc nâng cao trình độ của giáo viên với việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nâng lương, xét các danh hiệu hàng năm.
Hoạt động đa dạng nâng cao trình độ cho người thầy.
Đội ngũ giáo viên cần phải liên tục bổ sung hàng năm, vừa theo nhu cầu nâng cao chất lượng (thay thế những giáo viên không đạt chuẩn), vừa kế tiếp các thế hệ cũ (thay các giáo viên đến tuổi nghỉ chế độ) bởi vậy việc tạo nguồn chất lượng cao là rất quan trọng và là công việc không bao giờ dừng. Để làm tốt việc này, chúng ta cần phải có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ.
Tôn trọng các nguyên tắc nhất định khi quy hoạch lại hệ thống các trường đại học có ngành sư phạm, trường cao đẳng sư phạm. Một số trường có thể giải thể hoặc chuyển thành trung tâm bồi dưỡng giáo viên của địa phương hoặc cụm các địa phương.
Với những trường đã được quy hoạch cần đầu tư xứng đáng để có cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên trình độ giỏi để đào tạo và cung cấp cho xã hội những người thầy tốt.
Với các thay đổi về chính sách đối với giáo viên ở các phần trên, cùng với các giải pháp ở mục này, chắc chắn chúng ta sẽ có được những học sinh khá, giỏi chọn nghề dạy học.
Bộ GD-ĐT cần có điểm sàn đối với riêng các ngành đào tạo giáo viên như đã thông báo.
Những sinh viên sư phạm vừa xinh đẹp, vừa học giỏi. Ảnh: Báo Nghệ An
Cần có chế độ học bổng, miễn học phí như trước đây chúng ta đã áp dụng cho sinh viên sư phạm. Với các sinh viên giỏi cần có thêm các chính sách như tham quan học tập các cơ sở giáo dục tiên tiến ở trong và ngoài nước, tham gia hội thảo hoặc học tập chuyên đề ở nước ngoài, chuyển tiếp nghiên cứu sinh, bổ sung cho đội ngũ giảng viên ở các trường, khoa sư phạm.
Hệ thống các trường sư phạm sau khi quy hoạch cần phối hợp chặt chẽ với các Sở GD-ĐT và các UBND tỉnh/thành qua sự chỉ đạo chung của Bộ GD-ĐT để lên được nhu cầu cung ứng giáo viên hàng năm của các địa phương, từ đó có chiến lược về chỉ tiêu tuyển sinh cũng như dự kiến phân công công tác cho sinh viên sư phạm tốt nghiệp, hạn chế nạn thất nghiệp cho sinh viên sư phạm như một thời chúng ta đã từng có chính sách phân công công tác cho sinh viên ra trường.
Kết luận
Với tư cách là một nhà giáo đã luôn gắn bó với giáo dục kể cả khi về hưu, chỉ mong muốn sự nghiệp mà mình đã theo đuổi trọn đời sẽ thành công. Những ý kiến trong bản tham luận này không phải là một nghiên cứu khoa học, có nhiều ý kiến là tham khảo của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục, các nhà giáo trong cả nước, không phải là ý kiến của cá nhân. Cảm ơn các tác giả và mong được phép đưa vào tham luận mà có thể không nói rõ mọi nguồn.
Tư liệu tham khảo
[1]. Nguyễn Thị Hiền. Vai trò của người thầy giáo trong xã hội hiện đại. Đăng trên trang điện tử của trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc ngày 26/11/2014.
[2]. Đinh Quang Báo. Ðội ngũ giáo viên, yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Đăng trên báo Nhân Dân ngày 19/11/2013.
[3]. Phan Thanh Bình. Người thầy là nhân tố quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Bài trả lời phỏng vấn báo Dân Trí đăng ngày 14/9/2017.
[4]. Lê Thống Nhất. Tại sao học sinh giỏi không chọn ngành sư phạm? Nỗi lo cho giáo dục! Đăng BigSchool ngày 4/8/2017.
[5]. Lê Thống Nhất. Hạ chuẩn tuyển sinh ngành sư phạm vì ai và hại như thế nào? Đăng BigSchool ngày 8/8/2017.
[6]. Lê Thống Nhất. Làm gì để học sinh giỏi sẽ chọn ngành sư phạm? Đăng BigSchool ngày 13/8/2017.
[7]. Lê Thống Nhất. Phải chăng điểm đầu vào thấp không ảnh hưởng đầu ra của đào tạo sư phạm? Đăng trên BigSchool ngày 15/8/2017.
[8]. Lê Thống Nhất. Một cách tôn trọng người thầy: Hãy bỏ các quy định hình thức! Đăng BigSchool ngày 7/8/2017.
Ý kiến bạn đọc: