Tại Hội thảo khoa học “Đánh giá tổng quát chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam - Tiếp cận và cách thức” do Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức vừa qua, PGS. TS. Lê Khánh Tuấn đã có báo cáo tham luận được dư luận quan tâm.
Chúng tôi vừa nhận được bài viết của PGS. TS. Lê Khánh Tuấn được rút từ báo cáo trên, xin chia sẻ cùng các bạn.PGS. TS. Lê Khánh Tuấn phát biểu tại Hội thảo
Không thể phủ nhận là chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT) đã có những tiến bộ. Nếu so sánh với chất lượng giáo dục đại học (ĐH) và sau ĐH thì sự tiến bộ khả quan hơn. Nếu so sánh với điều kiện điều kiện đảm bảo chất lượng là một sự nỗ lực đáng tự hào. Nhưng, nếu so sánh với nhu cầu và kỳ vọng của xã hội thì chưa đủ. Nguyên nhân là gì?
Thứ nhất, đội ngũ giáo viên (GV) là yếu tố quyết định thì đang đứng trước những bất lợi.
Ở trường học, do dân chủ trong sinh hoạt hạn chế, giáo viên ít được lắng nghe; việc đấu tranh, xử lý những sai phạm GV của các cơ quan quản lý rất quyết liệt, nhưng bảo vệ GV khi khi họ bị hiểu nhầm vì những tìm tòi, đổi mới gây hậu quả thì chưa đủ (GV cho đó là sự nhu nhược của quản lý); sự thiếu ổn định trong chính sách tuyển dụng, hợp đồng… Hệ luỵ là nhiều GV làm việc theo phận sự, họ không dám mạnh dạn đổi mới, sáng tạo để được an toàn.
Ngoài ra, chính sách thu hút vào sư phạm đã lỗi thời; dạy thêm, học thêm bản chất không phải là xấu, nhưng trong đối xử lại đánh đồng nó với "dạy thêm học thêm tràn lan" là không công bằng về quan niệm nghề nghiệp. Với môi trường dạy học hiện nay, "hai vũ khí của thầy cô đều bị tước hết rồi". Hai thứ vũ khí bị tước đoạt đó là kỷ luật (xử phạt đúng) và điểm số (cho điểm một cách thực chất) - theo lời của GS. Nguyễn Minh Thuyết (*). Hệ luỵ là GV cảm giác nghề không phải là nghề, làm cho nghề dạy học trở nên kém hấp dẫn.
Thứ hai, cơ sở vật chất - kỹ thuật trường học vẫn rất thiếu thốn.
Ngân sách đầu tư là sư sự nỗ lực lớn của Nhà nước, nhưng so với yêu cầu thì vẫn chưa đáp ứng ở mức tối thiểu. Chi phí đào tạo bình quân cho một học sinh của Việt Nam vẫn còn quá thấp (tuỳ theo cấp học, mức chung bằng khoảng 1/4 của các nước trong khu vực và bằng khoảng 1/25 so với các nước phát triển).
Thứ ba, phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục hết sức phân tán và bất cập.
Trong tổ chức hoạt động của ngành giáo dục, nhân lực, tài chính và hoạt động rất khó kết hợp. Chủ trương xây dựng và quản lý kế hoạch dựa vào kết quả (theo chỉ đạo của Chính phủ) không thực thi được trên thực tế.
Thứ tư, quy mô học sinh/lớp quá cao.
Mặc dù quy định số học sinh một lớp ở cấp tiểu học là 35 em và ở cấp THCS là 45 em nhưng thực tế, đặc biệt ở các thành phố lớn khá nhiều lớp tiểu học lên tới 60 em. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc đổi mới phương pháp dạy học (các nước phát triển lớp học có từ 18 đến 25 em/lớp).Quang cảnh Hội thảo
Chúng tôi cho rằng tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong thực thi chất lượng GDPT là một hiện tượng xuất phát từ những nguyên nhân khá căn cơ. Nguyên nhân của vấn đề là sự không thống nhất trong tiếp cận khái niệm "chất lượng giáo dục" giữa người dạy và người học hay nói rộng ra là giữa nhà trường và người học. Nếu không tập trung để giải quyết được vấn đề này, chất lượng giáo dục khó có thể được cải thiện.
Nếu theo cách tiếp cận truyền thống, chất lượng giáo dục là những giá trị tinh tuý của kiến thức, kỹ năng do giáo dục tạo ra cho người học, góp phần tôn vinh người học thì chất lượng giáo dục mà nhà trường theo đuổi là cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Nhưng trong một xã hội trọng bằng cấp, rất nhiều người đi học lại là để lấy bằng cấp, họ coi trọng bằng cấp hơn kiến thức và kỹ năng. Đối với họ bằng cấp, chứng chỉ là hiện thân của chất lượng.
Nếu theo tiếp cận mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sử dụng, xem chất lượng giáo dục là sự đạt đến mục tiêu, thì sao? Mục tiêu của nhà trường là rèn luyện năng lực tư duy, phương pháp tiếp cận để người học tự chiếm lĩnh trị thức (trong đổi mới chương trình sắp tới sẽ chuyển mạnh dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh). Nhưng, mục tiêu của người học lại là điểm số, là thi đỗ hay không đỗ. Mục tiêu của nhà quản lý lại hướng đến thành tích. Sự định hướng khác nhau như vậy, thực tế đã tạo ra xung đột và dẫn đến các hệ luỵ sau:
Hệ luỵ thứ nhất, cùng một sản phẩm người cho rằng tốt, người khác cho là không. Ý kiến trái ngược về VNEN, về các bộ sách giáo khoa gần đây là những ví dụ. "Ông nói gà, bà nói vịt", xét cho cùng là vì không thống nhất hướng tiếp cận. Nếu cứ như vậy thì không thể nói đánh giá nào về chất lượng là đúng đắn được.
Hệ luỵ thứ hai là trước áp lực khác chiều của người học, nhà trường bị khuất phục, từng bước "tự diễn biến", làm cho chất lượng giáo dục bị tha hoá đi. Ví dụ: Người học cốt học để lấy bằng, nhà trường dạy theo kiểu an toàn để có bằng cấp, chứng chỉ. Người học cần thi phải đỗ điểm cao, nhà trường cũng chiều lòng (trong giáo viên có câu nói vui rằng "thang điểm của nhà trường hiện nay chỉ từ 7 đến 10"). Các cấp quản lý cần tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ học sinh giỏi cao, nhà trường nâng lên và sản sinh ra học sinh giỏi ảo, xuất sắc ảo.
Hệ luỵ thứ 3 mang tính hậu quả là ngành giáo dục đặt ra mục tiêu chất lượng riêng, đầu tư, chỉ đạo hệ thống trường của mình thực hiện; nhưng trong thực tế thì trường học lại vận hành dạy học theo mục tiêu của người học. Vì vậy, cùng với những tác động tiêu cực của thị trường và các xu hướng nhất thời, chất lượng giáo dục ngày càng bị tha hoá, xa rời sự kỳ vọng của xã hội.
Sự tha hoá về chất lượng này có những nguyên nhân khách quan như đã nói ở trên. Về phía chủ quan, không thể không nói đến sự quản lý yếu kém của ngành giáo dục, từ đơn vị cơ sở cho đến các cấp quản lý. Quản lý chưa đủ sức để "miễn dịch" với các áp lực từ bên ngoài do đó đã để nhà trường "tự diễn biến"./.
(*) Báo Tiền Phong số ra ngày 18/5/2019.
PGS.TS. Lê Khánh Tuấn
Trường Đại học Sài Gòn
BigSchool: Xin chia sẻ thêm thông tin về tác giảPGS. TS. Lê Khánh Tuấn hiện là giảng viên cao cấp Đại học Sài Gòn
PGS. TS. Lê Khánh Tuấn:
- Sinh viên khoá 16, Khoa Toán, Đại học Sư phạm Vinh tốt nghiệp năm 1979
- Dạy Đại học ngành Sư phạm (1979 - 1984)
- Công tác trong ngành Kế hoạch & Đầu tư (1984 - 1992)
- Tốt nghiệp Đại học Tài chính năm 1994
- Công tác tại Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế (1992 - 2009)
- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế (2001 - 2009)
- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT (2009 - 2017)
Ý kiến bạn đọc: