Câu chuyện về một cô gái 18 tuổi vừa trúng tuyển vào Đại học

  • 07/08/2018 | 11:55 GMT+7
  • 11.740 lượt xem

Với tuổi thơ buồn bã, phải vượt qua nỗi sợ hãi và cô đơn, luôn thắp sáng trong tâm mình quyết tâm "Phải học!", Nguyễn Bảo Trang đã thành công. Trước khi nhập học, em đã nhờ bạn vẽ chân dung các thầy cô mà mình biết ơn suốt đời để cảm tạ.

Nguyễn Bảo Trang với những bức chân dung thầy cô mà mình biết ơn suốt đờiNguyễn Bảo Trang với những bức chân dung thầy cô mà mình biết ơn suốt đời

23h khuya, chiếc xe đạp lặng lẽ đưa tân sinh viên Nguyễn Bảo Trang trở về nhà trọ sau một tối làm việc. Dãy nhà trọ đã chìm vào giấc ngủ, Trang lặng lẽ xếp gọn hành trang chuyển từ Quảng Ngãi vào TP.HCM, chuẩn bị hành trình tiếp tục giấc mơ con chữ.

Cô tân sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM Nguyễn Bảo Trang (18 tuổi) kể về câu chuyện của mình trúc trắc đến khó tin. Trang không có nhà, dù hộ khẩu đang "tá túc" với người cô ruột ở xã Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Trang đã mất cả cha mẹ, nhưng ngay cả việc làm giấy xác nhận mồ côi cũng cực kỳ khó khăn. 
Ảnh từ video của báo Tuổi trẻẢnh từ video của báo Tuổi trẻ

Tuổi thơ buồn bã

Mọi thứ bắt đầu và kết thúc chưng hửng. Cha và mẹ Trang đều đã có gia đình trước khi họ tìm đến nhau bằng mối tình "rổ rá cạp lại". Trang ra đời, mà cha mẹ không có lấy tờ hôn thú. Giấy khai sinh ghi tên người cha ruột và người vợ có hôn thú của cha. Cái quyền để tên người mẹ thật sự sinh ra mình trong giấy khai sinh Trang cũng không được chọn.

Năm 2000, Trang ra đời ở TP.HCM, rồi cha mẹ gửi cho một người hàng xóm ở quận 8 chăm sóc. Cha mẹ lang bạt, cả tháng mới ghé thăm một lần. Năm 2006, cha Trang đột ngột qua đời vì tai biến, mẹ Trang gửi cô bé vào Trường tình thương Hoa Sen rồi biệt tăm. Mãi đến khi học hết lớp 5, mẹ mới tới đón về.

Đón Trang, người mẹ đưa thẳng về xã Hành Dũng giao Trang cho cô ruột (chị gái cha Trang) rồi lâu lâu ghé thăm. Trang nhập hộ khẩu vào gia đình cô rồi đi học cấp II. Những tháng ngày ấy dài thăm thẳm. Đôi khi bị cô la mắng, Trang lại tự an ủi mình "được ăn và đi học là may rồi". Lần được ngủ cùng mẹ duy nhất là đêm 29 tết năm 2015. Ba ngày sau đó, Trang nhận tin mẹ qua đời. "Đó là lần đầu tiên tôi đến nơi mẹ sống (xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), tới để đội khăn tang xong rồi cô chở về lại" - Trang kể.

Cô ruột cũng nghèo, Trang buổi đi học, buổi phụ giúp đủ công việc. Chuẩn bị hết lớp 9 thì cô ruột bảo nghỉ học, đi học may. "Tôi sợ phải nghỉ học khủng khiếp. Có nhiều đêm tôi không ngủ. Tôi trốn ra ngoài sau nhà, tôi rất muốn khóc nhưng không khóc được. Tôi nghĩ mình đã lớn và phải tự quyết định cuộc đời mình. Tôi sẽ tự đi làm để có tiền đi học. Rồi tôi nhờ thầy cô cấp II giúp đỡ để mình rời khỏi nhà cô, xuống TP Quảng Ngãi thi vào Trường THPT Trần Quốc Tuấn để được đi học" - Trang kể.
Trang học bài trong căn phòng trọ...Trang học bài trong căn phòng trọ...

Vượt qua sợ hãi, cô đơn

Trang kể cuộc đời mình mang ơn thầy cô rất nhiều. Ngày rời khỏi nhà cô, hành lý là vài bộ quần áo, tiền bạc thầy cô Trường THCS Hành Dũng gom lại cho. Trang xin ở ghép với một người chị trong căn trọ nằm trong con hẻm. Ổn định chỗ ở, Trang xin đi phụ bán cà phê. Tháng lương đầu tiên được hơn 1,5 triệu đồng giúp Trang có tiền đóng trọ và học phí. Công việc đó giúp Trang vượt qua năm lớp 10.

Đầu năm lớp 11, Trang dù đã cố gắng làm việc cả kỳ nghỉ hè nhưng vẫn không đủ tiền đóng học phí. Cô đến trường, viết đơn xin nghỉ học một năm để đi làm. Cô giáo chủ nhiệm không đồng ý và câu chuyện của Trang được cả trường biết đến, cũng từ đó Trang trở thành đứa con chung của trường. Có suất học bổng nào, Trang là người đầu tiên nhận và mỗi tháng được Đoàn trường hỗ trợ 500.000 đồng.

Tưởng mọi thứ đã ổn thì bão tố bỗng ập đến. Một hôm đi học về, Trang thấy một nhóm người xăm trổ đứng trước phòng trọ. Căn phòng bị mở tung cửa, mọi thứ rối tung. Trang hoảng sợ khi nhóm người hỏi người chị cùng phòng đâu. Hóa ra người chị đó bị vỡ nợ bỏ trốn, nhóm người đó đến tìm. Những đêm sau đó, Trang chẳng nhớ bao nhiêu lần đang ngủ thì cửa phòng bị đập liên hồi, tiếng la hét "ra đây... trốn à" vọng vào. "Đó là khoảnh khắc tôi ước có ai đó bên cạnh che chở cho mình" - Trang kể.

Khoảnh khắc tủi thân nhất là vào những ngày tết, Trang không có nhà để trở về. Cô tìm đến những quán cà phê làm thêm. "Những đêm giao thừa, phải đến hơn 1h sáng mới hết khách. Lúc đạp xe trở về, hai bên đường người ta cúng năm mới, tôi thấy mình lạc lõng. Về đến phòng tôi đóng cửa lại, mở nhạc mừng năm mới, lấy mì gói ra pha ăn. Tôi để đồ lung tung khắp nhà tạo cảm giác ấm cúng. Điều đó giúp tôi vượt qua ba mùa tết" - Trang trải lòng.

Trang lại phải dời đi, cô thay đổi luôn chỗ làm thêm để tránh bị làm phiền từ những người đòi nợ. Ngoài làm thêm, cô còn phải cố gắng học thật giỏi, những lần đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh giúp cô có hơn 1 triệu đồng tiền thưởng. Đó là một khoản tiền Trang phải cố có được và ba năm học Trang đều có được khoản tiền đó.
Ảnh từ video của báo Tuổi trẻẢnh từ video của báo Tuổi trẻ

Phải học

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa rồi, Trang đạt số điểm 23,5 khối C, trở thành sinh viên ngành văn học Trường ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM.

"Phải học" - Trang khẳng định và nói cho Tuổi Trẻ nghe về dự tính của mình: nhập học, xin thẳng vào ký túc xá, tìm kiếm công việc làm thêm. Tiếp đến sẽ làm quen đường sá, đến học kỳ 2 sẽ tự thuê trọ, chủ động thời gian để có công việc làm nhiều hơn. "Nếu có một chiếc xe máy, tôi sẽ chạy Grab ban đêm để kiếm thêm. Có nhiều lần tôi nghĩ mình không vượt qua được, vậy mà cuối cùng cũng tự tìm cách giải quyết xong, những ngày tới cũng vậy" - Trang nói.

Với Trang, nỗi buồn của quá khứ sẽ giúp cô mạnh mẽ hơn và đứng vững trước cuộc đời. "Đã buồn, đã ê chề, mọi thứ với tôi giờ bình lặng lắm. Sau này có bất cứ nỗi đau gì, tôi cũng sẽ chịu được. Tôi đã không gục ngã trước hoàn cảnh. Tôi đang chờ những ngày tháng phía trước, chẳng có gì buộc tôi nghỉ học được" - Trang khẳng định.

"Thành công nhất trong cuộc đời dạy học của tôi"

Cô Nguyễn Thị Liên, giáo viên chủ nhiệm lớp 10 và 11 của Trang, rơm rớm nước mắt khi nói về cô học trò tuyệt vời của mình. Cô vẫn nhớ lần Trang nghỉ học một tuần năm lớp 11, rồi viết đơn xin nghỉ học một năm. "Thành công nhất trong cuộc đời dạy học của tôi là không đồng ý cho Trang nghỉ học. Lúc đó, tôi và các thầy cô tìm đủ mọi cách giúp Trang. Chúng tôi xem em như con. Lấy nỗ lực và ý chí của Trang kể cho mọi người nghe. Chính tôi khi thấy bế tắc hay mệt mỏi lại nghĩ đến cô học trò nhỏ ấy và thấy chuyện của mình quá nhỏ" - cô Liên trải lòng.

Cô Liên thú thật những ngày qua, cả trường rất lo lắng vì Trang chỉ tích góp được hơn 2 triệu đồng. Thầy cô cũng đang tìm cách giúp thì nghe Trang thông báo có học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ, cả trường ai cũng mừng và tin cuộc đời Trang sẽ kết thúc có hậu. 

Biết ơn cuộc đời

Trước khi vào TP.HCM nhập học, Trang đã nhờ bạn vẽ chân dung thầy cô để tặng. Bao nhiêu bất hạnh trải qua, Trang thấy cuộc đời cũng cho mình nghị lực và tình cảm của thầy cô là những điều quý giá để Trang tin rằng cuộc đời vẫn còn quá nhiều người tốt. Trang nói nhiệm vụ của mình là kiên cường và tiếp tục giải quyết những khó khăn của mình như những ngày tháng đã qua.

Trần Mai 

Các bạn có thể xem thêm video câu chuyện  tại đây.

Hình ảnh Trang ở trang 1 báo Tuổi trẻ hôm nay (7/8/2018)Hình ảnh Trang ở trang 1 báo Tuổi trẻ hôm nay (7/8/2018)
Câu chuyện của Trang trê báo Tuổi trẻ hôm nay (7/8/2018)Câu chuyện của Trang trê báo Tuổi trẻ hôm nay (7/8/2018)
Cô giáo chủ nhiệm của Trang chia sẻ Cô giáo chủ nhiệm của Trang chia sẻ
BigSchool:
Cảm ơn báo Tuổi trẻ đã cung cấp và cho phép đăng câu chuyện thực sự xúc động, một tấm gương vượt qua mọi trở ngại với quyết tâm "phải học" của một học sinh thật đáng cảm phục.
Các bạn có thể đặt mua báo Tuổi trẻ (in) tại Bưu điện, sạp báo hoặc trực tiếp Toà soạn.
Cách liên hệ trực tiếp Toà soạn để đặt mua báo Tuổi trẻ.Cách liên hệ trực tiếp Toà soạn để đặt mua báo Tuổi trẻ.

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.