Cô giáo đã cố gắng đọc tới trang cuối cùng cuốn sách “Marion mãi mãi tuổi 13”. Đau đớn trước cái chết của một bé học sinh bên nước Pháp, nghĩ đến nạn bạo lực học đường với bao cảm xúc lẫn lộn... cô đã viết. Cô nhờ BigSchool góp ý. Xin đăng chia sẻ cùng các bạn.
Cuối cùng thì, tôi cũng đủ sức đọc xong, gấp lại trang sách của “Marion mãi mãi tuổi 13” trong rất nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Có đau đớn và xót xa…
Có bất lực và phẫn nộ…
Có lo lắng và hoang mang…
Có yêu thương và hy vọng…
Cuốn sách gây chấn động nước Pháp
Và hơn hết, là có sự thôi thúc từ bên trong, phải viết ra, phải ghi lại, phải nói lên 1 tiếng nói, dẫu tiếng nói ấy bị chìm khuất đi trong dòng xoáy thông tin của facebook, để cảnh tỉnh, để kiếm tìm giải pháp cho 1 vấn đề tưởng như “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”: NẠN BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
1. Marion, con là ai?
Marion, cô bé 13 tuổi, học sinh lớp 8 tại 1 trường THCS của nước Pháp là 1 cô bé xinh xắn, đáng yêu với đôi mắt to. Cô bé thông minh, học tốt môn tiếng Tây Ban Nha, mơ ước là 1 kiến trúc sư trong tương lai, được thầy cô đánh giá là học sinh ngoan ngoãn, vui vẻ.
Marion, cô bé 13 tuổi là đứa trẻ sinh ra trong 1 gia đình hạnh phúc, với bố mẹ và hai em. Đứa trẻ lớn lên với một thơ ấu êm đềm, luôn có người mẹ đồng hành bên cạnh như 1 người bạn. Nora Fraisse, người mẹ Marion, là người tâm lý, ít tạo áp lực cho con trong học tập, tôn trọng tình cảm riêng tư của con. Chỉ dựa vào những kí ức, những nỗi đau, những cô đơn trên hành trình tìm kiếm nguyên nhân sự ra đi của con mình… cũng có thể thấy, bà mẹ đó yêu và hiểu con đến mức nào.
…
Nhưng
Marion, cô bé 13 tuổi đó, đã chọn cách từ giã cuộc sống bằng tự vẫn, bằng cách dùng chiếc khăn quàng để tự treo cổ mình ngay trong phòng ngủ ngày 13/2/2013.
Cách đó hơn 1 giờ đồng hồ, cô bé đã gõ dòng chữ tìm kiếm sau trên google “làm sao để tự tử” và đã thực hành y hệt hướng dẫn, với 1 cái khăn quàng và 1 giá treo áo măng tô.
Bên dưới chiếc giường, cùng với thi thể của em, người ta đã tìm thấy 1 chiếc điện thoại di động cũng được em “treo cổ” trên đầu 1 sợi dây…
2. Tại sao “Em lại xòe cánh bay về nơi bình an”?
Đọc đến đây, tôi chắc hẳn bạn phải thốt lên câu hỏi “Tại sao?”
Đúng rồi, tại sao 1 đứa trẻ không lớn lên trong 1 hoàn cảnh bất hạnh, nghiệt ngã lại chọn cách giã từ cuộc sống, mãi mãi tuổi 13 trong đau đớn như vậy?
Tại sao 1 đứa trẻ luôn được thụ hưởng tình yêu thương đủ đầy, ấm áp của người cha, người mẹ, của những người thân yêu nhất lại bỏ đi theo cách đó. Theo cách mà người mẹ Marion diễn tả rằng “cuộc sống không có con. Bố mẹ và các em vậy là đã nhận cái án chung thân rồi”.
Bản thân người mẹ, sau cái chết đột ngột của con mình cũng “chóng mặt vì những câu hỏi”, và xót xa nhất, chính là câu hỏi nhức nhối: tại sao con không nghĩ đến bố mẹ và hai em, chúng ta đã ở đâu, trong quyết định của con? Tại sao???
Ai thấu cảm với Marion?
Người lớn sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi “tại sao”, nếu không đặt vào “đôi giày của Marion”, thấu cảm với cô bé 13 tuổi.
Chúng ta sẽ làm gì nếu ở tuổi 13 mỗi tháng nhận được 3000 tin nhắn SMS (trung bình 100 tin nhắn mỗi ngày) và đa phần, đó là những tin nhắn lăng nhục, đe dọa, chửi rủa?
Chúng ta sẽ làm gì nếu ở tuổi 13 mỗi ngày đến trường không phải là một ngày vui mà là những phút giây căng thẳng phải đối mặt với lũ bạn luôn chửi rủa, cười nhạo, thậm chí đánh đạp, thậm chí vén váy và sờ mó vào cơ thể, trong những góc hành lăng tối, hoàn toàn không có sự can thiệp của giáo viên, ban giám hiệu hay một – người – lớn – nào – đó?
Chúng ta sẽ làm gì nếu chúng ta là 1 cô bé 13 tuổi, học giỏi nhưng bị dán nhãn là “đồ đần”, “đồ điếm”, “đồ đạo đức giả”, “đồ không có bạn bè”, “đồ chó cái”, “phò” chỉ vì chúng ta có những điểm khác biệt so với bạn bè? Những từ ngữ lăng nhục sắc hơn cả lưỡi dao như vậy, tôi chắc, còn khó chống đỡ với người lớn, huống hồ là với cô bé 13 tuổi.
Chúng ta sẽ làm gì nếu chúng ta là cô bé 13 tuổi cứ sống mãi trong cảm giác chịu đựng, cho đến một ngày, sự chịu đựng vượt quá giới hạn, phải viết những lời đầy cay đắng sau trong bức thư tuyệt mệnh “Các bạn đã đi quá xa trong chuyện này. Cuộc đời tớ đã trôi trượt đi và chẳng ai hiểu nó cả. Người bạn thân nhất của các bạn sỉ nhục các bạn, phớt lờ các bạn”.
Có bao nhiêu câu chuyện chưa được viết thành sách?
Vậy đấy.
Cô bé Marion đáng thương, với tố chất của đứa trẻ hướng nội, đã cố gắng chịu đựng sự sỉ nhục mỗi ngày ở trường học, không dám kể hết sự thật với bố mẹ. Cho đến ngày 12/2/2013, trong cao trào của sự lăng nhục, có 1 đứa trẻ trong đám đông những đứa trẻ bắt nạt đã đưa ra cho em 1 mệnh lệnh “đi mà treo cổ đi”.
Đi mà treo cổ đi…
…
Marion đáng thương đã làm điều đó, trong 1 phút giây ở nhà, mẹ đi vắng, để suốt cả quãng đời còn lại, người mẹ sống trong sự dằn vặt vì đã không có mặt ở bên con lúc ấy.
3. Vô cảm, thờ ơ với nỗi đau cũng là 1 tội ác.
Điều khiến bố mẹ Marion tuyệt vọng, trong hành trình vén bức màn bí ẩn xung quanh cái chết của con gái mình là sự thờ ơ của nhà trường, như thể, đứa trẻ ấy không phải là một phần của trường học.
Trước khi Marion tự vẫn, bằng cảm nhận của người mẹ, mẹ em đã 3 lần yêu cầu, xin được chuyển lớp cho con mình, đã gặp riêng thầy hiệu trưởng mong được giúp đỡ.
Nhưng mọi nguyện vọng, khẩn cầu rơi vào im lặng.
Sau khi Marion tự vẫn thì sao?
Thầy giáo hiệu trưởng ngăn phụ huynh, giáo viên tiếp xúc trực tiếp với bố mẹ Marion. Mọi câu hỏi của phụ huynh liên quan đến cái chết của em đều được nhà trường giải thích “do gia đình”. Thậm chí, bức thư mà các giáo viên viết chia buồn gửi đến gia đình cũng không được thầy hiệu trưởng chuyển đến tay bố mẹ em, để người mẹ bị lẻ loi trên hành trình đơn độc.
Phụ huynh đều bày tỏ thái độ e ngại, né tránh mỗi khi mẹ Marion tiếp xúc con họ:
- “Tại sao chị lại muốn trò chuyện với bọn trẻ hả?”
- “Tôi muốn biết”
- “Tại sao chị lại tìm cách để hiểu chuyện hả”?
Tại sao nhỉ?
Tại vì họ thờ ơ, vô cảm với nỗi đau
Tại vì họ sợ liên lụy
Tại vì họ thấy phiền phức khi hành động họ cho là dại dột của đứa trẻ cuốn họ vào bao cuộc điều tra, bao bản tường trình.
Nỗi sợ + sự vô cảm biến trường học thành nơi đứa trẻ muốn giã từ cuộc sống và biến người mẹ khổ đau thành “kẻ gây rối”.
Và khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước nỗi đau của đứa trẻ, đó cũng là 1 tội ác.
4. Những con số biết nói của nạn bạo lực học đường
Dù biết bạo lực học đường diễn ra ở bất cứ nơi đâu nhưng tôi thực sự đã lạnh người khi đọc những con số thống kê sau đây trong cuốn sách “Marion mãi mãi tuổi 13”:
“Theo những điều tra chính thức mới đây (tại Pháp), 10,1% học sinh được hỏi tuyên bố rằng đã bị quấy rối, 7% là nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, tức là cứ 16 trẻ em thì có 1 trẻ em bị quấy rối nghiêm trọng. Con số thật khổng lồ: 10% của 12 triệu trẻ em đang độ tuổi đến trường, nó cho thấy là hơn 1 triệu học sinh thay bằng đổ mồ hôi trên các bài tập của mình thì chúng lại toát mồ hôi trước ý tưởng sẽ bị nghéo chân hoặc chế giễu. Phân nửa trong số chúng phản ánh đã bị nghe chửi, 39% bị đặt biệt danh ác ý, 36% bị xô đẩy chen lấn, 32% bị cô lập, 29% bị chế giễu vì hạnh kiểm TỐT trên lớp, 19% bị đánh, 5% bị mơn trớn hoặc bị cưỡng bức…
Hoảng sợ và hoang mang, tôi lên google gõ dòng chữ “thống kê số liệu bạo lực học đường ở Việt Nam” trong vòng 0.41 giây đã cho ra 339.000 kết quả.
Những hình ảnh này có dấu hiệu gia tăng?
Và đây là số liệu ở ngay bản thống kê đầu tiên đập vào mắt tôi (trích dẫn từ bài viết của thạc sĩ Phạm Thị Hồng, viện khoa học xã hội, về bạo lực học đường):
“Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê đầu năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài phạm vi nhà trường, tương đương khoảng 5 vụ đánh nhau một ngày”
“Tác giả Lam Ngọc trong bài “Bạo lực học đường ám ảnh học sinh” đăng trên Báo điện tử Thanh Niên tháng 1/2016 đã chia sẻ kết quả nghiên cứu về bạo lực giới (kỳ thị giới tính) trong trường học. Nghiên cứu được Viện nghiên cứu Y học - Xã hội học phối hợp với tổ chức từ thiện Plan Việt Nam thực hiện từ tháng 3 đến tháng 9/2014 với 3.000 học sinh của 30 trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) ở Hà Nội. Theo đó, có khoảng 80% học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần, 71% bị bạo lực trong vòng 6 tháng qua. Trong đó, bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục…) chiếm tỷ lệ cao nhất là 73%, bạo lực thể chất (tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập…) chiếm 41%; và bạo lực tình dục (tin nhắn với nội dung tình dục, sờ, hôn, hiếp dâm, yêu cầu chạm vào bộ phận sinh dục, lan truyền tin đồn tình dục…) chiếm 19%.
…..
Tôi không thể đủ sự điềm tĩnh để đọc hết cả bản báo cáo đó ngay 1 lúc.
Và tôi thấy nghẹt thở.
…..
Vấn đề còn khủng khiếp hơn những con số phần trăm thống kê kia, là “phần đông người lớn coi những vụ quấy rối này là chuyện con trẻ… Các nạn nhân im lặng. Nếu chúng dám nói ra, chúng sẽ bị cô lập. Bầy đàn kia trỗi dậy với cảm giác hoàn toàn bất khả xâm phạm. Cùng nhau, chúng cảm thấy mạnh mẽ. Chúng truy lùng con mồi trong mọi ngóc ngách của trường học, cho đến chỗ thầm kín nhất, đến tận phòng ngủ, đến tận giường nằm, thông qua các trang mạng xã hội. Điều đó chẳng bao giờ dừng lại, chẳng bao giờ”.
Những con số gây chấn động
Vậy đó.
Tâm lý đám đông, sự lên ngôi của cái Ác, sức mạnh của lăng nhục được lan tràn hơn cả tốc độ ánh sáng trên mạng xã hội, qua smartphone, mọi lúc, mọi nơi…
Thành thật mà nói, nhiều khi, chính người lớn chúng ta cũng không thể chống đỡ nổi những điều độc địa đó, huống chi là 1 cô bé 13 tuổi, 1 đứa trẻ hướng nội, rất sợ làm phiền phức đến người khác.
5. Để những sự ra đi không còn vô nghĩa
Đọc hết được cuốn sách và những bản báo cáo trên mạng, với tôi mà nói, giống như đi qua cả 1 hành lang dài, tăm tối, đau đớn, hoang mang, lo sợ…
Nhất là khi, ý nghĩ: “con tôi, con bạn, mỗi đứa trẻ đáng yêu chúng ta gặp hàng ngày, có thể sẽ là 1 Marion tiếp theo, chừng nào bạo lực học đường không dừng lại, không phát huy sức mạnh ghê gớm khi kết hợp với smartphone và mạng xã hội” cứ bủa vây lấy tôi.
Nhưng không có nghĩa là chúng ta để nỗi sợ nhấn chìm mình xuống.
Cũng không có nghĩa chúng ta để những đứa trẻ đơn độc sống trong nỗi tuyệt vọng vì không được giúp đỡ, lắng nghe khi bị/là/thành nạn nhân của bạo lực học đường.
Và chúng ta càng không thể, để bầy đàn những đứa trẻ thích/quen/hay bắt nạt ở trường học mạnh lên.
Trong cuốn sách “Marion mãi mãi tuổi 13”, điều duy nhất tôi không đồng ý với người mẹ là bà muốn thông qua những điều luật tăng nặng hình phạt ở trường học để răn đe lũ trẻ, dạy cho chúng biết hậu quả của việc đi bắt nạt.
Đứng ở vị trí của bà, tôi hoàn toàn hiểu tại sao bà có mong muốn đó.
Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, lấy hình phạt, răn đe làm giải pháp không bao giờ có thể chấm dứt nạn bạo lực học đường. Nếu chúng có tác dụng, chỉ là tác dụng ngăn chặn tức thời mà thôi.
Báo chí đã lên tiếng nhiều lần
6. Gốc rễ của bạo lực học đường phải giải quyết bằng cách nào?
Tôi nghĩ thế này...các bạn cùng trao đổi nhé!
1. Giáo dục những đứa trẻ về giá trị sống, trong đó lấy giá trị tôn trọng và yêu thương bản thân làm nền tảng.
Một đứa trẻ cần yêu thương bản thân nó, tự tin vào giá trị riêng nó để không tuyệt vọng khi bị đám đông tẩy chay, để biết rằng mình khác biệt là hạnh phúc, là đương nhiên, không phải là bất hạnh. Một khi yêu mình, đứa trẻ sẽ biết yêu mọi người.
Một đứa trẻ cần có lòng tự trọng để biết quý sinh mạng và cuộc sống của bản thân. Một khi đứa trẻ tôn trọng mình một cách sâu sắc, chúng không dễ gì dùng bạo lực để hạ nhục, làm đau bạn bè.
2. Tổ chức nhiều chuyên đề kĩ năng để những đứa trẻ trải nghiệm thực sự việc “xỏ chân vào đôi giày của người khác”: đôi giày của đứa trẻ đi bắt nạt lẫn đôi giày của đứa trẻ nạn nhân.
3. Nguồn gốc bạo lực có thể đến từ trong gia đình. Những đứa trẻ quen dùng bạo lực hoặc được nuôi lớn trong môi trường bạo lực hoặc chịu những tổn thương trong tâm lý, dẫn đến cảm giác muốn trút giận vào người khác. Bởi vậy, xóa bạo lực cũng cần sự chúng tay góp sức và sự nhận thức trong cộng đồng phụ huynh.
4. Môi trường học đường cũng quyết định đến việc đứa trẻ có được quan tâm, bảo vệ, lắng nghe khi nó gặp rắc rối hay không. Bởi vậy, chọn trường cho con, hãy nhìn vào giá trị giáo dục mà ngôi trường mang lại chứ không chỉ là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hay đại học. Mẹ Mạnh Tử xưa chẳng phải đã chuyển nhà 3 lần chỉ để dạy con trai mình hay sao.
Liệu có hạn chế trẻ vào mạng xã hội?
5. Cuối cùng, nếu có thể, hãy cho con hạn chế tiếp xúc với mạng xã hội, thiết bị điện tử càng xa càng tốt. Không phải ngẫu nhiên mà facebook đưa ra quy định về độ tuổi người dùng. Nhưng trên thực tế, chỉ cần khai gian tuổi, bạn vẫn có thể lập trang facebook mà không bị kiểm duyệt. Và đó là điều cô bé Marion đã giấu mẹ, lập 1 tài khoản facebook bằng 1 cái tên giả.
Trong trường hợp không thể kiểm soát, hãy giúp con nâng cao ý thức bằng những cuốn sách như “Người dùng facebook nên biết” hoặc “Thiện ác và smartphone” (Đặng Hoàng Giang).
Thay lời kết
“Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ là chủ đề tranh luận, thảo luận trong mỗi gia đình các bạn, trong trường học của các bạn và ở những nơi khác. Mong rằng nó sẽ có hiệu lực hệt như một ngòi nổ và sẽ khiến cho các em học sinh ý thức toàn vẹn về sự nghiêm trọng của nạn quấy rối giữa chúng với nhau”.
Đó là lời mở đầu mà Nora Fraisse, mẹ của cô bé Marion đã viết trong cuốn sách, vừa để tưởng nhớ con mình vừa để mỗi người lớn đều rút ra 1 bài học.
Đó cũng là điều thôi thúc thôi, viết bài viết này, cất lên tiếng nói này.
Dù rất có thể, như tôi đã viết, nó chìm đi trong dòng xoáy thông tin của facebook.
Tôi vẫn mong đợi và không thôi hy vọng:
Không 1 đứa trẻ nào sợ hãi khi nghĩ đến bạn bè, đến trường học.
Không 1 đứa trẻ nào muốn treo cổ cái điện thoại của chúng và chính bản thân chúng.
Không 1 đứa trẻ nào xem bắt nạt bạn bè, săn lùng con mồi là nỗi khoái cảm.
Không 1 nhà trường nào đứng ngoài nỗi đau của đứa trẻ.
Và không 1 người mẹ nào, cài hoa trắng, hát cho con mình lời hát ru hay lời vĩnh biệt trong nỗi đau không viết được bằng lời.
Để không còn thêm thiên thần nào “vỗ cánh bay về nơi bình an”…
P/s: cảm ơn Ngân (Mưa), học sinh cũ đã gửi tặng cô cuốn sách.
Nguyễn Minh Ngọc
(Giáo viên trường THPT Đinh Thiện Lý, quận 7, TP HCM)
Ý kiến bạn đọc: