Các kí hiệu +, -, x, :, = ra đời khi nào?

  • 24/04/2017 | 00:41 GMT+7
  • 35.047 lượt xem

Một câu hỏi bất ngờ từ học sinh tiểu học. Có khi các phụ huynh hoặc các thầy cô chưa hẳn đã trả lời ngay được. Xin chia sẻ với các bạn điều này.

Ký hiệu + và -

Thời cổ xưa, người Hy Lạp và Ấn Độ đều coi việc viết liền hai số với nhau là cộng hai số đó. Đến nay qua cách viết một "hỗn số" ta có thể nhận thấy dấu vết của phương pháp này.

Cuối thời trung cổ, thương mại của Châu Âu dần dần phát triển, một số nhà buôn thường đánh dấu + trên thùng hàng để biểu thị trọng lượng hơi thừa một chút, và dấu - biểu thị hơi thiếu một chút.

Thế kỷ XV, L. Pasoli, một nhà toán học người Italia, đã dùng các kí hiệu chữ Latin là p (từ chữ plus) thay cho phép cộng và chữ m (từ chữ minus) thay cho phép trừ. Chẳng hạn 3p2 và 3m2 hiểu là 3 cộng 2 và 3 trừ 2. 

Thời kì văn hóa phục hưng, Leonard da Vinci (1452-1519) - một bậc thầy về nghệ thuật người Italia đã dùng dấu + và - trong một số tác phẩm.

Năm 1489, Johann Widman người Đức đã chính thức dùng hai kí hiệu này trong tác phẩm của mình, hai kí hiệu trên cũng chỉ được hiểu là phần dư và phần khuyết chứ không liên quan tới phép cộng và phép trừ.

Năm 1514, G. V. Hoecke, một nhà toán học người Hà Lan, đã xuất bản sách sử dụng dấu + và - trong các biểu thức đại số.

Năm 1518, cuốn sách của H. Grammateus về Đại số và Số học đã sử dụng dấu + và - với ý nghĩa phép cộng và phép trừ như ta sử dụng ngày nay.

Sau đó nhờ sự đề xướng và nỗ lực tuyên truyền của nhà toán học người Pháp Viete (1540-1603)  hai dấu + và - mới bắt đầu được phổ cập. Đến năm 1603 mới được đông đảo nhà toán học công nhận.

Ký hiệu x

Khoảng thế kỷ thứ VIII-X ở Ấn Độ đã sử dụng cách viết hai số liền nhau biểu thị tích hai số. Thế kỷ XV, cách viết này cũng được sử dụng trong một bản thảo của M. Stifel. Dấu x được hiểu như là phép nhân được in lần đầu trong sách năm 1631 tại London, Anh của W. Oughtred. Để biểu thị phép nhân, trong bức thư gửi J. Bernoulli, G. W. Leibniz (1646-1716) đã sử dụng kí hiệu . (năm 1694) và x (năm 1698). Năm 1659, sách của nhà toán học người Thụy Sỹ J. Rahn (1622-1676) đã dùng kí hiệu * cho phép nhân.

Kí hiệu :

Người Hindu cổ đại viết số chia dưới số bị chia để biểu thị phép chia. Thế kỷ thứ VIII, M. Ibn AlKhowarizmi, người Udơbêkixtan, đã kí hiệu 6/2 hoặc để chỉ 6 chia cho 2. Nhiều người cho rằng kí hiệu phân số đang dùng hiện nay là bắt nguồn từ đây.

Kí hiệu ÷¸ lần đầu được sử dụng bởi John Pell (1610-1685), người Anh, năm 1630 và được in trong sách của J. Rahn năm 1659 (đã nói ở trên). G. W. Leibniz sử dụng dấu hai chấm (:) để biểu thị phép chia hoặc phân số lần đầu vào năm 1684. 

Kí hiệu =

Người Babilon và Ai cập đã từng dùng kí hiệu = biểu thị sự bằng nhau và được dùng sớm nhất từ thời trung cổ trong cuốn sách "Hòn đá mài của trí tuệ" của Robert Recorde, thế nhưng mãi đến thế kỉ 18 dấu = mới được phổ cập.

(Sưu tầm từ nhiều tư liệu)

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.