Bộ GD&ĐT sẽ sửa khung xử lý kỷ luật học sinh, sinh viên có hoạt động mại dâm

  • 30/10/2018 | 00:20 GMT+7
  • 1.245 lượt xem

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp để lấy ý kiến góp ý thì dư luận xã hội đã phản ứng với khung xử lý kỷ luật hoạt động mại dâm.

Chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này và ý kiến của Bộ GD&ĐT.

Khung xử lý kỷ luật quy định như thế nào?

Theo dự thảo này thì hành vi hoạt động mại dâm của học sinh, sinh viên các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp sẽ tương ứng với số lần vi phạm: lần 1 - khiển trách, lần 2 - cảnh cáo, lần 3 - đình chỉ học tập có thời hạn, lần 4 - buộc thôi học.
Khung xử lý kỷ luật này tương tư với các vi phạm:
- Uống rượu, bia trong giờ học; say rượu, bia khi tới lớp.
- Đánh bạc với mọi hình thức.
- Tàng trữ, lưu hành, truy cập, sử dụng văn hóa phẩm đồi trụy, tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái phép…
- Tham gia biểu tình, tụ tập đông ngườingười, khiếu kiện trái quy định của pháp luật.

Tại sao lại có dự thảo này?

Sau khi tìm hiểu thì được biết nguồn gốc của vấn đề như sau:
- Ngày 13/8/2007, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định số 42/2007/QĐ - BGDĐT ban hành Quy chế học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy. Theo Quy chế này thì khung xử lý kỷ luật cho hành vi hoạt động mại dâm là: lần 1 - đình chỉ học tập có thời hạn, lần 2 - buộc thôi học.
- Để phù hợp với Luật Giáo dục đại học, ngày 5/4/2016, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký thay Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Thông tư số 10/2016/TT - BGDĐT ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy. Theo quy chế này thì khung xử lý kỷ luật cho hành vi hoạt động mại dâm là: lần 1 - khiển trách, lần 2 - cảnh cáo, lần 3 - đình chỉ học tập có thời hạn, lần 4 - buộc thôi học.
Như vậy so với Quy chế năm 2007 thì Quy chế năm 2016 có mức xử lý nhẹ hơn: thay bằng lần 1- đình chỉ học tập có thời hạn là khiển trách, thay lần 2 - buộc thôi học là cảnh cáo, sinh viên vi phạm lần 3 mới bị đình chỉ có thời hạn và lần 4 mới bị buộc thôi học.
- Theo giải thích của Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) thì Thông tư số 10/2016/TT - BGDĐT so với Quyết định số 42/2007/QĐ - BGDĐT mới áp dụng cho sinh viên đào tạo đại học chính quy còn thiếu đối tượng thuộc diện quản lý của Bộ GD&ĐT là học sinh, sinh viên hệ cao đẳng và trung cấp sư phạm. Bởi vậy Bộ GD&ĐT soạn dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp để lấy ý kiến góp ý đến ngày 26/11/2018, sau đó chỉnh sửa rồi ban hành chính thức.
Khi soạn dự thảo này, nhóm biên soạn đã lấy nguyên khung xử lý kỷ luật của Thông tư số 10/2016/TT - BGDĐT, với suy nghĩ rằng mức xử lý kỷ luật quy định cho học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp không thể nặng hơn sinh viên đại học hệ chính quy. Mặt khác khi công bố dự thảo Thông tư số 10/2016/TT - BGDĐT thì không thấy ý kiến nào về khung xử lý kỷ luật cho hành vi hoạt động mại dâm nên vẫn giữ nguyên cho đối tượng học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên nhóm biên soạn cũng thấy khung hình phạt như vậy là nhẹ và quả nhiên khi công bố đã bị phản ứng gay gắt của xã hội.

Ý kiến dư luận xã hội về việc này

- Không đồng tình với khung xử lý kỷ luật quá nhẹ cho hành vi hoạt động mại dâm. Nhiều ý kiến cho rằng với học sinh, sinh viên hệ cao đẳng và trung cấp sư phạm được đào tạo làm nghề dạy học thì ngay khi vi phạm lần 1 đã cần phải buộc thôi học. Không những thế, với sinh viên đại học chính quy cũng cần tăng nặng mức kỷ luật như vậy. Đề xuất này nặng hơn so với Quy chế theo Quyết định số 42/2007/QĐ - BGDĐT.
- Với đề xuất tăng nặng mức kỷ luật ở trên thì kiến nghị Bộ GD&ĐT cũng cần sửa đổi Thông tư số 10/2016/TT - BGDĐT.
- Ngoài ý kiến riêng cho hành vi hoạt động mại dâm, có ý kiến cho rằng những hành vi đã có Luật pháp quy định thì ngành giáo dục không nên đưa vào nhà trường những hình thức kỷ luật bổ sung.
Được biết vừa qua có một học sinh THCS vi phạm Luật Giao thông đã bị phạt tiền và khi nhà trường được thông báo thì hiệu trưởng đã ra quyết định đình chỉ học tập, cho lưu ban. Tuy nhiên lãnh đạo Sở GD&ĐT đã can thiệp kịp thời nên nhà trường đã dừng lại việc thực hiện mức kỷ luật. Ngay dự thảo về xử phạt hành chính giáo viên mà Bộ GD&ĐT đã công bố để xin ý kiến cũng có những quy định gây phản ứng trong giáo viên khi mức phạt tiền quá cao so với mức phạt mà Luật pháp quy định.
- Ngành giáo dục nên tập trung vào việc giáo dục học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên hiểu biết pháp luật và "Sống làm việc theo Pháp luật", đừng biến nhà trường thành các đơn vị hành pháp gây khó khăn cho việc xử lý các vi phạm mà lẽ ra các cơ quan pháp luật mới là đơn vị thực hiện việc này.

Ý kiến của Bộ GD&ĐT về việc này

Tối 29/10/2018, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Trong quá trình soạn thảo Thông tư này, Ban soạn thảo đã nhận thấy "một số nội dung liên quan đến phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của học sinh sinh viên, trong đó có hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh khi ban hành quy chế mới". Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên Cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, Ban soạn thảo "đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất". Bộ sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm của Ban soạn thảo và cá nhân có liên quan. Dựa trên những ý kiến đóng góp thì có lẽ khi ban hành sẽ quy định học sinh, sinh viên chỉ hoạt động mại dâm 1 lần là phải đuổi học.
Ngay trong tối 29/10/2018, Bộ GD&ĐT đã rút dự thảo thông tư này ra khỏi trang điện tử.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ với BigSchool: Ban soạn thảo đang rà soát lại toàn bộ dự thảo thông tư để có bản phù hợp nhất, đồng thời sửa đổi Thông tư 10/2016/TT - BGDĐT để thống nhất khung xử lý kỷ luật đối với sinh viên đại học chính quy và học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp đào tạo ngành sư phạm. Chúng tôi sẽ cập nhật kịp thời bản dự thảo để các bạn có thể tiếp tục góp ý cho Bộ GD&ĐT.

BigSchool: Theo Bộ luật hình sự chỉ có quy định các tội trong hoạt động mại dâm: Tội chứa mại dâm (Điều 327), Tội môi giới mại dâm (Điều 328), Tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329) mà không có Tội bán dâm. Điều 23 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm quy định: Người bán dâm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 18 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, người nào có hành vi bán dâm bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc mức phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng. Trường hợp bán dâm có tính chất đồi trụy, mức phạt tiền từ 500.000 đến một triệu đồng.

Điều 18 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP cũng quy định người bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 14 tuổi trở lên, có nơi cư trú nhất định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Người bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 16 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Trường hợp người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lây truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự. Theo đó, họ có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm: đối với nhiều người; đối với người chưa thành niên; đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình; đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.