Chiều 16/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo tóm tắt với Ủy ban Thường Vụ Quốc hội về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, để triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông theo quy định tại Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, Bộ GDĐT đã ban hành kế hoạch thực hiện việc đổi mới, giao những nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương để triển khai.
Đối với việc chuẩn bị sách giáo khoa cho chương trình GDPT mới, thực hiện quy định của NQ88, Bộ GDĐT đã tổ chức tổng kết đánh giá ưu điểm và hạn chế, bất cập của SGK hiện hành, chỉ rõ nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm để vận dụng trong tổ chức biên soạn SGK mới. Bộ ban hành Thông tư số 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Thực hiện chủ trương khuyến khích xã hội hóa biên soạn SGK, Bộ GDĐT chỉ đạo nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam và các NXB khác thuộc ngành giáo dục tổ chức biên soạn, xuất bản SGK bằng kinh phí xã hội hóa. Hiện nay, đã có 5 bộ SGK lớp 1, gồm 46 SGK của đầy đủ các môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc và SGK môn học tự chọn tiếng Anh được phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Đối với nhiệm vụ biên soạn một bộ SGK sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GDĐT xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch biên soạn một bộ SGK gồm 137 đầu SGK của đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12.
Theo quy định của Ngân hàng Thế giới, việc tuyển chọn tác giả SGK phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Việc tổ chức đấu thầu cần có đủ căn cứ pháp lý để xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng tác giả và biên tập viên kèm theo kinh phí biên soạn đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình nên chỉ có thể tiến hành sau khi các chương trình môn học đã được ban hành.
Ngay sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới (26/12/2018), Bộ GDĐT đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả nhưng không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả. Nguyên nhân chính là hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các NXB và triển khai biên soạn SGK.
Tháng 2/2020, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức đấu thầu (lần 2) để tuyển chọn tác giả SGK. Số ứng viên nộp hồ sơ đăng ký tham gia đã đáp ứng yêu cầu về số lượng chủ biên, tác giả, biên tập viên cần tuyển chọn để tổ chức biên soạn SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Tuy nhiên, khi Bộ GDĐT tổ chức thương thảo để ký hợp đồng, các tác giả đã đưa ra nhiều yêu cầu về nhuận bút lâu dài sau khi biên soạn mà theo quy định thì Bộ GDĐT không đáp ứng được.
"Hiện nay, các NXB đang tiếp tục hoàn thiện bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6 để thẩm định trong năm 2020; tiếp tục biên soạn SGK các lớp còn lại để thẩm định trong các năm tiếp theo đáp ứng lộ trình thực hiện CT, SGK mới. Vì vậy, việc Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn một bộ SGK sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển xã hội hóa biên soạn SGK, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các NXB", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan xây dựng, chỉ đạo thực hiện việc cung cấp SGK miễn phí cho thư viện các trường học ở vùng khó khăn; chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam và các NXB thuộc ngành giáo dục tham gia biên soạn, xuất bản SGK thực hiện việc tặng SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bộ GD&ĐT tăng cường các biện pháp bảo đảm chất lượng và chủ động chuẩn bị SGK thông qua việc chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam (do Bộ GD&ĐT làm chủ sở hữu nhà nước) thực hiện việc biên soạn, xuất bản, in, phát hành một bộ SGK đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục.
"Cách làm này vẫn bảo đảm đủ SGK, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng để chủ động triển khai chương trình mới, đồng thời khuyến khích phát triển xã hội hóa biên soạn SGK theo chủ trương của Quốc hội", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ GD&ĐT trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88. Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết, Chính phủ, Bộ GDĐT đã tập trung nhiều cho việc triển khai, thực hiện NQ88 và đạt được những kết quả rất tích cực, nhất là việc ban hành CT GDPT tổng thể, các CT môn học/hoạt động giáo dục, việc xã hội hóa biên soạn SGK.
Về nội dung liên quan đến SGK trong NQ88, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết, yêu cầu "Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa" để chủ động triển khai CT GDPT mới là để đảm bảo ổn định việc biên soạn, cung cấp SGK GDPT khi phương thức xã hội hóa biên soạn SGK chưa có tiền lệ ở nước ta.
Từ thực tế biên soạn SGK, Thường vụ Ủy ban cho rằng cần cân nhắc việc Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức biên soạn SGK lớp 1. Lý do là thời gian từ nay đến khai giảng năm học 2020-2021 còn rất ngắn để triển khai biên soạn, thực nghiệm và thẩm định một bộ SGK lớp 1 mới. Việc tập hợp các chuyên gia sẽ khó khăn khi các nhà khoa học có kinh nghiệm đã tham gia các nhóm biên soạn của 3 nhà xuất bản.
Việc xã hội hóa biên soạn SGK đã huy động được nguồn lực, các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào công tác giáo dục. Không tổ chức biên soạn SGK, sẽ tạo điều kiện cho Bộ GDĐT tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về chất lượng SGK theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
"Thường vụ Ủy ban thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để chủ động, đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể trong trường hợp cần thiết", Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nói.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ GD&ĐT đã làm đúng quy trình trong việc tổ chức biên soạn một bộ SGK, nhưng kết quả không được như mong muốn. Bộ đã có báo cáo đánh giá lý do.
Quan điểm thống nhất là, Chính phủ và Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng hết sức, thực hiện hết trách nhiệm với đầy đủ nội dung đã được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội. Trường hợp đã cố gắng hết sức nhưng không thực hiện được thì sẽ báo cáo Quốc hội để xin ý kiến.
"Vì thế, quý 3 năm ngoái, Chính phủ vẫn yêu cầu Bộ GDĐT cố gắng hơn nữa trong việc tổ chức biên soạn SGK. Lần mời thầu thứ 2 có đủ ứng viên đăng ký nhưng thương thảo hợp đồng không được vì liên quan đến bản quyền khi sử dụng ngân sách nhà nước. Khác với khi thực hiện xã hội hóa, tác giả được nhận nhuận bút lâu dài, cứ SGK được bán là tác giả được trích phần trăm. Như vậy, bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức không hấp dẫn các tác giả tham gia", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đồng ý kiến nghị của Bộ GDĐT và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội và cho rằng, về cơ bản thực tiễn mấy năm qua cho thấy, "chúng ta không cần dùng ngân sách nhà nước để biên soạn SGK". Tuy nhiên, cần đề phòng trường hợp bất khả kháng khi xã hội hóa biên soạn SGK không thuận lợi thì Quốc hội giao cho Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thực hiện.
Những khó khăn của Bộ GD&ĐT trong tổ chức đấu thầu tuyển tác giả biên soạn SGK cũng được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ. Ông cho rằng, Bộ GD&ĐT đã rất tích cực thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và việc không dùng ngân sách nhà nước mà vẫn có nhiều SGK chất lượng cho chương trình mới là "đáng hoan nghênh, rất đáng khen".
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội và bày tỏ sự chia sẻ, ủng hộ với Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc Chính phủ chỉ đạo tổ chức việc thực hiện Nghị quyết 88 và vai trò của Bộ GDĐT trong triển khai thực hiện Nghị quyết này. Đồng tình với việc ở kỳ họp Quốc hội tới sẽ báo cáo và xin ý kiến việc việc nhà nước có cần làm một bộ SGK nữa không, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quan tâm vấn đề quản lý giá SGK khi xã hội hoá sẽ như thế nào.
Phát biểu tổng kết cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, ý kiến của Thường vụ Quốc hội đều hoan nghênh sự chỉ đạo của Chính phủ trong việc biên soạn SGK, thực hiện các nội dung của NQ88. Dù sự chỉ đạo và thực hiện còn chậm nhưng đến nay đã có 5 bộ SGK được Hội đồng quốc gia thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, các nhà trường lựa chọn giảng dạy trong năm học tới.
"Đó là sự nỗ lực của Chính phủ và Bộ GD&ĐT", Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh. Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, làm tốt công tác thẩm định, bảo đảm định hướng chính trị, bảo đảm các nội dung liên quan đến lịch sử, văn hóa, nhân cách con người Việt Nam.
"Vừa rồi, Bộ GD&ĐT đã nỗ lực lớn trong tập huấn cho giáo viên cả trực tiếp và trực tuyến. Đề nghị tiếp tục làm tốt và coi trọng công tác này. Đồng thời, cần tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của phụ huynh học sinh về việc thực hiện chủ trương đổi mới chương trình SGK", Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Bộ trong việc điều hành, kiểm tra, hướng dẫn các trường lựa chọn SGK. Đối với học sinh vùng dân tộc và miền núi, Chính phủ và Bộ GD&ĐT cần quan tâm, có chính sách trợ giá, hỗ trợ liên quan đến SGK để đảm bảo học sinh có bộ SGK tốt, in ấn đẹp, giá vừa phải. "Chúng ta thực hiện phương châm vừa giáo dục, vừa tiết kiệm để đồng bào yên tâm", Phó Chủ tịch Quốc hội nói .
Đối với 16 triệu USD vay Ngân hàng thế giới để Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn SGK hiện nay chưa dùng đến, Thường trực Quốc hội đề nghị khoản vay này giao Chính phủ quản lý và sử dụng hiệu quả, không trái mục đích. Nếu không sử dụng đến thì càng tốt, càng tiết kiệm.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục
Nguồn: Bộ GD&ĐT
Ý kiến bạn đọc: