Bàn về 3 phương án tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm học 2019 - 2020

  • 15/08/2018 | 00:03 GMT+7
  • 5.600 lượt xem

Tháng 4/2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra phương án tuyển sinh lớp 10 cho năm học 2019 - 2020. Tuy nhiên, sáng 13/8/2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 để lấy ý kiến đóng góp.

Sẽ chọn 1 trong 3 phương án tuyển sinh lớp 10

Theo đó, 3 phương án dự kiến là:

Phương án 1: Thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư, trong đó bài thi thứ tư thuộc 1 trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Bài thi thứ tư do Sở GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với bài thi toán và ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài.
Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.
Phương án 3: Tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, vật lý, lịch sử và giáo dục công dân); hoặc tổ hợp 2 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, địa lý, hóa học và sinh học).
Thời gian làm bài đối với bài thi toán và ngữ văn là 120 phút/bài; đối với bài thi tổ hợp là 90 phút/bài. Việc quyết định tổ chức bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở GD-ĐT thực hiện theo hình thức bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3.

Nên chọn phương án nào là phù hợp?

- Với phương án 2, tuy đã được thực hiện từ năm học 2005 - 2006 cho tới năm học 2018 - 2019, nhưng Sở GD&ĐT Hà Nội đã từng phân tích là phương án đạt được sự ổn định về tâm lý cho học sinh và cho cả thầy cô, tuy nhiên vẫn bộc lộ những nhược điểm: học sinh học lệch (tập trung vào Toán và Ngữ văn), phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của các thầy cô và của mỗi trường. Bởi vậy tháng 4/2018, Sở đã đưa ra phương án 3.
- Với phương án 3, số môn mà học sinh phải ôn tập sẽ là 6 môn. Ngay với tuyển sinh vào Đại học, các tổ hợp xét tuyển cũng chỉ là 3 môn mà thôi, tuy học sinh lớp 12 phải thi những tổ hợp KHTN (Lý, Hoá, Sinh) hay tổ hợp KHXH (Sử, Địa, Giáo dục công dân) nhưng các môn không thuộc tổ hợp môn xét tuyển các em cũng chỉ học nhẹ nhàng để thoát điểm liệt mà thôi. Vậy với học sinh lớp 9 khi phải ôn tập để tuyển sinh lớp 10 phải dùng đến 6 môn thi là quá nhiều so với lớp 12 thi vào Đại học. Bài học của Hải Phòng khi đưa ra số môn phải học để thi tuyển sinh lớp 10 đã tạo nên phản ứng của xã hội và năm học 2018 - 2019 đã phải thay đổi. Do đó Sở GD&ĐT Hà Nội cần thận trọng nếu chọn phương án này.
- Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng phương án 1 là phương án phù hợp nhất lúc này, vừa khắc phục được nhược điểm của phương án 2 lâu nay lại không tạo áp lực về số môn thi như phương án 3. Dự đoán rằng, chắc Sở GD&ĐT cũng đã nhận ra nhược điểm của phương án 3 nên mới trở lại thăm dò đưa thêm phương án 1.

Hy vọng ý kiến của tôi góp thêm một lời bàn với Sở GD&ĐT Hà Nội.

Lê Thống Nhất

BigSchool: Sau khi bài đăng trên Diễn đàn, thầy Lê Thống Nhất có đưa trực tiếp cho nhà giáo Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội xem (tại Hội nghị của Bộ GD&ĐT ở Phú Thọ) và nhận được sự chia sẻ khá cởi mở. Trang điện tử của Sở GD&ĐT Hà Nội đã đăng lại ngay ý kiến tại đây.

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.