Bài thơ "Nơi đó là gia đình" của cô giáo tiểu học giản dị mà sâu sắc

  • 27/06/2021 | 16:02 GMT+7
  • 12.605 lượt xem

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2021), xin giới thiệu với các bạn bài thơ "Nơi đó là gia đình" - một sáng tác mới của cô giáo Nguyễn Thị Liệu, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk.

Cô giáo Nguyễn Thị Liệu Cô giáo Nguyễn Thị Liệu

NƠI ĐÓ LÀ GIA ĐÌNH

(Kỉ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2001- 28/6/2021)
 
Có vạn nơi để đi
Có triệu nơi để đến
Có một nơi thương mến
Nơi đó là Gia Đình.
 
Nơi sẵn sàng đón mình
Thành công hay thất bại
Nơi mà ta chẳng ngại
Dốc cạn cả ruột gan.
 
Nơi cho ta bình an
Khi ngoài kia giông bão
Nơi chẳng cần khách sáo
Phải rào trước đón sau.
Gia đình cô giáo Nguyễn Thị LiệuGia đình cô giáo Nguyễn Thị Liệu
 
Nơi cả nhà cùng nhau
Cháo rau đều san sẻ
Nơi lỡ ta vấp té
Ghé vai dìu đứng lên.
 
Nơi luôn nhớ chẳng quên
Nhắc nhở ta khi ốm
Kể cả khi bận rộn
Vẫn thương người ở xa.
 
Cái nơi gọi là Nhà
Đi đâu xa đều nhớ
Dẫu muôn trùng cách trở
Càng đau đáu nhớ thương.
 
Dù đi đâu muôn phương
Cũng mong về nơi ấy
Đơn giản là ở đấy
GIA ĐÌNH ta...vậy thôi.
 
25/6/2021
 
NGUYỄN THỊ LIỆU
 
Sau khi đọc bài thơ này, cô giáo Đào Thị Thanh Tú, trường tiểu học Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội với cảm xúc của mình đã say sưa chép lại và gửi tới ban biên tập. Xin cảm ơn cô giáo và chia sẻ với các bạn:
Bài thơ "Nơi đó là gia đình" của cô giáo tiểu học giản dị mà sâu sắc
Bản chép tay bài thơ của cô giáo Đào Thị Thanh TúBản chép tay bài thơ của cô giáo Đào Thị Thanh Tú
 
Thêm thông tin về Ngày Gia đình Việt Nam:

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát triển bền vững được. Ngày 28/6 hàng năm được gọi với tên thân thương Ngày Gia đình Việt Nam để nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình. Với ý nghĩa cao đẹp, từ năm 2001, ngày 28/6 được xem là ngày Gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Ngày Gia đình Việt Nam là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có cha mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

Văn kiện Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về trẻ em năm 2002 đã ghi nhận: gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, cần được củng cố... Không có gia đình tốt, không thể có xã hội tốt. Không có đứa con tốt, không thể có một người công dân tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nói: "Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt". Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách để giữ gìn giá trị gia đình và tạo mọi điều kiện để các ngành, các cấp và mỗi cá nhân chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc.

Năm 2021, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 với chủ đề "Gia đình bình an – xã hội hạnh phúc" thông qua các thông điệp như: "Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn; Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực; Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc; xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; xây dựng môi trường gia đình - cộng đồng - xã hội an toàn, lành mạnh; yêu thương và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình; ông bà, cha mẹ mẫu mực - con cháu thảo hiền; Gia đình là pháo đài, thành viên gia đình là chiến sỹ trong phòng, chống dịch bệnh" nhằm nhắc nhở tất cả mọi người hãy quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam. Đây cũng chính là cách để giữ gìn hạnh phúc, mái ấm và giữ gìn nề nếp, gia phong của mỗi gia đình, trân trọng, bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam.

Vì một gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, chúng ta hãy tích cực hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày gia đình Việt Nam 28/6; cùng chung tay giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá ứng xử tốt đẹp trong gia đình; tổ chức gặp mặt, sum họp các thành viên trong gia đình nhằm ôn lại truyền thống, nề nếp, gia phong là điều hết sức cần thiết và ý nghĩa, gắn chặt tình cảm các thành viên với nhau, từng bước đưa “Ngày gia đình” vào cuộc sống, trở thành ngày hội lớn, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, được lưu truyền tốt đẹp trong mỗi gia đình Việt Nam./

 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.

Đề thi mới nhất

Toán học & kết nối tuần 3

Môn Toán học - Lớp 8

Tống Phước Hiển

149 lượt thi

Toán học & kết nối tuần 3

Môn Toán học - Lớp 9

Tống Phước Hiển

108 lượt thi

Toán học & kết nối tuần 3

Môn Toán học - Lớp 6

Tống Phước Hiển

129 lượt thi

Toán học & kết nối tuần 3

Môn Toán học - Lớp 7

Tống Phước Hiển

113 lượt thi

Bài kiểm tra cuối kì II (Cuối năm)

Môn Toán học - Lớp 5

xtoan78

83 lượt thi

Xem thêm

Bài giảng mới nhất

Ghi số tự nhiên

Ghi số tự nhiên

Nguyễn Sáng

Toán học - Lớp 6

Xem thêm