Bài hát "Ca chiu sa" không chỉ ở nước Nga...

  • 05/11/2017 | 09:10 GMT+7
  • 12.037 lượt xem

Nhân dịp, kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, muốn chia sẻ với các bạn một bài hát mà nhiều thế hệ chúng ta đều từng hát. Chắc là lịch sử bài hát này cũng là những điều thú vị với chúng ta.

Nhà thơ IsakovskyNhà thơ Isakovsky

Tên ông là Mikhail Vasilievich Isakovsky (1900-1973). Dân chúng Smolensk kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà thơ. Dưới chân tượng đài ông, bên trong và bên ngoài Nhà văn hóa thành phố, ngoài đường, khắp nơi, người ta hát những bài ca nổi tiếng phổ thơ ông: “Đàn phong cầm cô độc”, “Nghe thấy anh không, bé xinh”, “Ôi kim ngân hoa nở”, “Bầy chim di cư bay qua”, “Ngọn lửa nhỏ”, “Anh vẫn như xưa”, “Lại lặng phắc cho đến bình minh”, và đặc biệt là… Ca-chiu-sa.

Lịch sử bài hát bắt đầu từ 1938, khi nhà thơ Liên Xô Isacovskiy đi công tác đến vùng Viễn Đông xa xôi cách thủ đô bảy nghìn km, trong lúc cả đất nước CCCP rộng lớn cảm nhận được một cuộc chiến đang đến gần, mà chưa phải trên chiến trường châu Âu, ngay ở vùng Á đông này đã xảy ra trận chiến “hồ Khasan” với quân đội hoàng gia Nhật. Lần đầu tiên các nghệ sỹ muốn sáng tác về đề tài chiến tranh, nhưng lại là nỗi lòng của cô gái ở lại hậu phương đối với người yêu đang ở ngoài chiến trường, mà vì đang chiến tranh biên giới cho nên đó sẽ là người lính biên phòng. Tuy vậy nhà thơ chỉ nghĩ được 2 câu đầu:
“Расцветали яблони и груши,
Поплыли туманы над рекой”
Tạm dịch:
“Táo, lê nay đã trổ bông
Sương mờ lãng đãng trên dòng sông mơ”
Sau đó ông không sáng tác được nữa, mặc dù hình tượng tiếp theo đã hình thành trong trí tưởng tượng của ông: cô gái ra bờ sông dốc đứng, nhớ về người yêu là lính biên phòng nơi xa, chàng vẫn thường viết thư cho cô và cô gìn giữ tất cả những bức thư đó...
Khi quay lại thủ đô, ông gặp nhạc sỹ Blanter, và người bạn hỏi ông có thơ nào để có thể sáng tác về đề tài chiến tranh không (xin nhớ rằng theo trường phái nhạc Nga thì bài hát phải có nhà thơ riêng và nhạc sỹ sáng tác riêng!)? Isacovskiy nhớ ngay đến 2 câu thơ ám ảnh kia, và chia sẻ với nhạc sỹ, nhưng 2 câu ít quá, nhạc sỹ đề nghị ít nhất phải có 8 câu. Kỳ lạ thay, nhà thơ ngồi xuống bàn và 6 câu thơ còn lại như tự nó hiện ra dưới ngòi bút của ông...
Đến lượt nhạc sỹ Blanter bị ám ảnh ngay với 8 câu thơ này, và quan trọng nhất đối với ông là hình ảnh cô gái một mình đi ra bờ sông dốc đứng! Mấy tháng sau tác phẩm ra đời, nhưng vì ông đang làm việc tại dàn nhạc jazz thế nên cuối năm 1938 nó được trình diễn lần đầu ở Nhà hát Công đoàn, với phong cách jazz! Tuy vậy ngay lập tức “Ca chiu sa” lan tỏa rất nhanh, thành bài hát yêu thích của hàng chục triệu người...Rất nhiều ca sỹ trình diễn bài này, trong lịch sử thì có lẽ Anna German là người hát hay nhất.

Bản nhạc "Ca chiu sa" gốcBản nhạc "Ca chiu sa" gốc

Rồi sau đó chiến tranh thế giới nổ ra, bài hát càng nhanh nổi tiếng, được dịch và hát bằng rất nhiều thứ tiếng: tiếng Do Thái, tiếng Anh, Tây Ban Nha, tiếng Ý, Nhật, Tàu...Ở Ý nó được gọi là “Fischia il vento” và trở thành bài hát của du kích quân Ý từ 1943 khi đánh nhau với quân đội của chế độ Musolini, và sau đó không mấy ai còn nhớ gốc gác Liên Xô của nó nữa.

Trong chiến tranh vệ quốc thì “Ca chiu sa” là bài hát được Hồng quân yêu thích nhất-cũng nên nói với những người không học tiếng Nga là “Ca chiu sa” là tên gọi thân thương của phụ nữ có tên thánh Ekaterina (ví dụ tên cô chị trong “Con đường đau khổ” ). Các nhà thơ, chiến sỹ đã nghĩ thêm ra hàng chục lời cho giai điệu dễ thuộc này! Và cũng vì bài hát này mà tổ hợp БМ-13 (bắn được đến 16 quả đạn cỡ 123mm trong vòng vài giây-vũ khí khủng khiếp nhất của quân đội CCCP lúc này) có tên gọi thân thương là “Ca chiu sa”. “Ca chiu sa” tự hành bánh xích, bánh hơi đã cùng Hồng quân đẩy lùi quân Đức đến tận Berlin, và ngày nay rất nhiều bảo tàng dành riêng đang trưng bày tổ hợp vũ khí này tại Nga, các đài tưởng niệm có ở khắp nơi...

Dàn tên lửa Ca chiu saDàn tên lửa Ca chiu sa

Trung Quốc ngay lập tức lấy giai điệu này làm bài hát chiến tranh của mình-nữ quân Trung Quốc duyệt binh cũng dùng "Ca chiu sa" hát trong quân ngũ.
Ở Trung Quốc ca sỹ nước ngoài được yêu thích nhất không phải là Bryan Adams hay Timberlake, mà là giọng hát Nga Vitas, và anh cũng hay hát “Ca chiu sa” cho đúng sở thích của đất nước tỷ dân này.

Vào những ngày kỷ niệm chiến thắng quân phát xít tại Nga, đã thành truyền thống, “Ca chiu sa” là một trong những bài hay được hát nhất-nó được coi là bài hát thời chiến mặc dù nội dung thì xảy ra ở hậu phương. Hát hay nhất bây giờ có lẽ là nữ ca sỹ Vaenga, đúng kiểu “vợ bộ đội” nhất, và nhạc đệm cũng rất hay, đặc biệt là tiếng phong cầm Nga da diết không thể thiếu được. Hai chị em nhi đồng nhà Tolmachevy hát cũng rất hay:

Varvara hát và múa đúng kiểu “Việt Nam” những năm 60-70 hay dàn dựng:

Theo nội dung bài hát thì nó hợp với giọng nữ hơn, tuy vậy có những màn trình diễn của nam cũng rất hay, ban nhạc "Chelsea" hát tại ngày lễ chiến thắng:

Tình yêu với “Ca chiu sa” vẫn không hề nguội lạnh sau 80 năm, dân vùng Viễn Đông của Nga muốn xin dùng bài hát này làm bài hát chính thức của vùng mình! Năm 2013 bằng tiền đóng góp của nhân dân bức tượng cô gái Cachiusa đã được khánh thành trang trọng tại thủ phủ Vladivostok-là tượng đài duy nhất ở Nga cho người con gái hậu phương này. Và các nhà sử học cũng tìm ra nhân vật thật trong đời đã thổi hồn cho nhà thơ Isacovskiy, đó là Ekaterina Alexeeva Philipova!

Xin tặng các bạn yêu văn hóa CCCP clip rừng bạch dương sau, qua lời hát của Varvara và cảnh quay trong phim “Thời thơ ấu của Ivan”-có cảnh nụ hôn có lẽ đẹp nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới- tác phẩm sẽ thay lời muốn nói...

Lời Nga của bài hát "Ca chiu sa"

КАТЮША

Расцветали яблони и груши,
Поплыли туманы над рекой.
Выходила на берег Катюша,
На высокий берег, на крутой.

Выходила, песню заводила
Про степного сизого орла.
Про того, которого любила,
Про того, чьи письма берегла.

Ой, ты, песня, песенка девичья,
Ты лети за ясным солнцем вслед
И бойцу на дальнем пограничье
От Катюши передай привет.

Пусть он вспомнит девушку простую,
Пусть услышит, как она поёт,
Пусть он землю бережёт родную,
А любовь Катюша сбережёт.

Расцветали яблони и груши,
Поплыли туманы над рекой.
Выходила на берег Катюша,
На высокий берег, на крутой.

Lời Việt của bài hát này có lời của nhạc sỹ Phạm Tuyên và lời dịch của ca sỹ Nguyễn Anh Cường và còn nhiều bản dịch khác nữa.

Bản nhạc do ca sỹ Nguyễn Anh Cường chép tayBản nhạc do ca sỹ Nguyễn Anh Cường chép tay

Bản nhạc Ca chiu sa với lời dịch của nhạc sỹ Phạm TuyênBản nhạc Ca chiu sa với lời dịch của nhạc sỹ Phạm Tuyên

Các bạn có thể xem video sau với lời hát tiếng Nga và tiếng Việt:

 Các bạn cũng có thể nghe bài hát này với sự thể hiện của các ca sỹ Trung Kiên và Mỹ Bình tại đây.

 (Sưu tầm từ các tư liệu trên Internet).

 

 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.