9 điều suy nghĩ từ chuyện phụ huynh gây áp lực bắt giáo viên quỳ?

Có lẽ đây là chuyện xưa nay hiếm. Cô giáo đã xin lỗi nhưng phụ huynh vẫn chưa chịu. Thế là cái hình phạt mà cô dành cho con em họ đã phải dành cho chính cô để phụ huynh thoả mãn (!).

Câu chuyện "cô giáo quỳ" đã diễn ra như thế nào?

Chuyện xảy ra tại trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An. Cô giáo N. áp dụng biện pháp xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối nên hôm sau có một số em sợ không đi học. Ngày 28/2/2018, có 4 phụ huynh tới trường Tiểu học Bình Chánh lớn tiếng phản ứng cách giáo dục của cô giáo N. là phi sư phạm. Biết mình sai, cô N. nhận lỗi và hứa khắc phục sai sót. Dù vậy, một phụ huynh vẫn không đồng tình. Cô N. đành xuống nước: "Vậy tôi sẽ quỳ tại đây". Hiệu trưởng Huỳnh Công Sơn đại diện trường xin lỗi phụ huynh, đồng thời hứa sẽ có biện pháp xử lý đối với cô N. Ông Sơn nói với cô Nhung: "Thôi cô không được quỳ" rồi rời khỏi phòng. Vì bị các phụ huynh gây áp lực nên cuối cùng cô N. phải quỳ trước mặt 4 phụ huynh, có sự chứng kiến của một số giáo viên của trường. Một giáo viên chứng kiến cho biết: "Do áp lực của chính phụ huynh buộc cô phải quỳ cho họ vừa lòng".

Ngày 2/3/2018, Ban đại diện Hội phụ huynh nhà trường đã tổ chức cuộc họp để làm rõ nguyên nhân vụ việc. Theo ông Huỳnh Công Sơn, đôi bên đã nhận thấy trách nhiệm của mình, sau đó có gặp gỡ, chấp nhận lời xin lỗi với nhau. Đại diện Hội phụ huynh học sinh chia sẻ: "Sau khi sự việc xảy ra, dư luận học sinh và phụ huynh trong trường rất bức xúc. Cô giáo N. mới về trường Bình Chánh. Trước khi chuyển về cô là giáo viên dạy giỏi tại trường Tiểu học Lương Bình, xã Lương Bình ở cùng huyện. Mặc dù phương pháp giáo dục của cô với học sinh có hơi hà khắc nhưng việc một cô giáo phải quỳ là chưa từng thấy".

Trường đã báo cáo việc này đến UBND xã Nhựt Chánh, Phòng Giáo dục huyện Bến Lức. Cơ quan chức năng của huyện đang tiến hành xác minh, nếu ai sai sẽ xử lý.

Chiều 4/3/2018, ông Trần Văn Tươi, chủ tịch UBND huyện Bến Lức, Long An, cho biết đã yêu cầu Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện làm rõ vụ việc này.

Bên ngoài ngôi trường mà trong đó cô giáo phải quỳ xin lỗi phụ huynhBên ngoài ngôi trường mà trong đó cô giáo phải quỳ xin lỗi phụ huynh
(Tổng hợp từ các báo)

Nghĩ gì từ câu chuyện "cô giáo quỳ"?

Cộng đồng đa số phản đối việc phụ huynh gây áp lực đến mức cô giáo N. phải quỳ. Thật bình tĩnh xem xét chúng ta nghĩ gì về việc này?

1. Các thông tin chưa rõ học sinh vi phạm điều gì và vi phạm bao nhiêu lần. Tuy nhiên, hình thức phạt học sinh quỳ hiện nay trong nhà trường chắc chắn không có văn bản nào quy định và đây là biện pháp nặng về hình phạt ít mang tính giáo dục của cô giáo. Mong các thầy cô lấy đây là bài học kinh nghiệm cũng như trước đây có cô giáo đã dùng cái phách nhạc gõ vào học sinh mà suýt bị nghỉ việc. Chúng ta cần kiềm chế trước những tình huống vi phạm nội quy, thậm chí là hỗn láo của học sinh. Kỷ luật học sinh tuỳ theo mức độ sẽ căn cứ vào quy định của ngành, nội quy của nhà trường. Nghề trồng người bắt buộc thầy cô phải biết "hạ nhiệt" kịp thời.

2. Sự việc diễn ra trong phòng và ở trong nhà trường, có sự chứng kiến của hiệu trưởng. Hành động bỏ ra ngoài phòng của hiệu trưởng khi sự việc chưa kết thúc như một sự bỏ rơi cô giáo và đẩy cô giáo vào tình thế tự đối phó với những áp lực của phụ huynh, chỉ có thể nói: hiệu trưởng chưa làm đúng chức trách cũng như thiếu đạo đức đối với giáo viên của trường (trong khi một số giáo viên vẫn ở lại).

3. Thái độ của phụ huynh là rất cần lên án. Trước đây đã có những phụ huynh xông thẳng vào lớp tát cô giáo. Hành động tát mang tính vũ lực, nhưng hành động ép cô giáo phải quỳ là mang tính làm nhục người khác, mà đây lại là cô giáo dạy con mình. Việc này nằm ngoài phạm vi xử lý của nhà trường, nhưng trong chức trách của lãnh đạo UBND xã. Chúng tôi mong ý kiến xử lý những phụ huynh này của UBND xã.

4. Những phụ huynh ép cô giáo phải quỳ đã không còn trong mình chút nào truyền thống "Tôn sư trọng đạo", "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Câu ca dao mà bao đời khuyên phụ huynh: "Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy" cũng không còn có tác dụng. Sự thoả mãn của mấy phụ huynh sẽ đem lại bổ ích gì cho chính họ nếu như con cái cho rằng bố mẹ mình đã "trả thù" cho mình?

5. Cô giáo đang còn thiếu những kỹ năng sống, nhất là chấp nhận quỳ để xin lỗi!

6. Sự việc cô giáo phạt học sinh quỳ đã xảy ra thật đáng tiếc, nhưng sự việc tiếp theo lại thật đáng tiếc hơn. Chúng ta luôn nói đến vai trò của giáo viên trong đổi mới giáo dục nhưng không đổi mới phụ huynh thì giáo viên cũng chắc chắn không thể nào đủ tình yêu với nghề của mình và sự nghiệp giáo dục sẽ không thể thành công! Thế những ai là người đổi mới phụ huynh? Chắc chắn ngành giáo dục khó mà làm nổi. Bởi vậy sự vào cuộc của các cấp chính quyền là rất quan trọng cho việc đưa giáo dục nước nhà đi lên. Chưa nói đến vật chất dành cho giáo viên mà quan trọng hơn là tinh thần của thầy cô. Những giai đoạn đói ăn, thiếu mặc mà các nhà giáo vẫn say mê với sự nghiệp trong người cơ mà...Rất nhiều thầy cô còn mong rằng: "Bao giờ cho đến ngày xưa", bởi ngày xưa truyền thống "Tôn sư trọng đạo" tốt hơn bây giờ rất nhiều.

7. Điều sợ nhất là tâm lý "co mình và buông lỏng giáo dục" của các thầy cô để "an toàn" cho bản thân, tránh những "va chạm" với học sinh, phụ huynh đang xảy ra và chưa có hồi kết, rất dễ lan toả trong cộng đồng giáo viên. Khi đó nghề dạy học chỉ còn là "cắn răng để kiếm tiền" nuôi con cái mà thôi. Thế thì buồn biết bao!

8. Những câu chuyện như thế này sẽ rất phản tác dụng khi chúng ta đang mong những học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm. Vào một nghề mà sự tôn vinh không còn và có biết bao rủi ro... Mọi chế độ chính sách thu hút sẽ khó mà có tác dụng.

9. Chưa thấy tiếng nói của ngành giáo dục các cấp về vụ việc này... từ cấp huyện trở lên. Chúng tôi vẫn đang đợi dù đây mới chỉ là một vụ việc...

Câu chuyện có thể khép lại nhưng bài học cho tất cả chúng ta sẽ thật khó quên.

Lê Thống Nhất

BigSchool: Các tin tức cập nhật về vụ việc sẽ được bổ sung dưới bài viết trên. Các bạn quan tâm có thể theo dõi.

+ Ông Phạm Hữu Vốn, Chủ tịch Hội Phụ huynh học sinh trường Tiểu học Bình Chánh cho biết, người buộc cô giáo N. phải quỳ suốt 40 phút là ông Võ Hòa Thuận, thư ký Hội Luật gia của một huyện thuộc tỉnh Long An. Trước đây, ông Thuận là cán bộ tư pháp của một xã thuộc huyện Thủ Thừa và là Đảng viên sinh hoạt chi bộ ấp. "Tôi đã xin ông Thuận để cô N. khắc phục nhưng ông Thuận không nói gì. Nếu bắt cô quỳ vậy có chuyện gì thì sao. Tôi kêu ông Thuận nói là một chút thấy cô quỳ phải đỡ cô lên. Làm vậy tội lắm. Vậy mà ông Thuận kêu phải quỳ đúng 40 phút mới chịu. Ổng về nhà còn ca ngợi là đụng tới con ổng là phải vậy. Ổng là thư ký hội luật gia mà làm vậy. Lúc bắt cô giáo quỳ ông Thuận còn nói là:"Tôi thấy mặt cô là tôi không ưa rồi đó"", ông Vốn nói trên Người lao động.

+ Ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức thông tin trên báo Giao thông vận tải, đã thành lập tổ xác minh vụ cô N., bị phụ huynh bắt quỳ gối xin lỗi tại trường. Đồng thời, Uỷ ban kiểm tra Huyện ủy Bến Lức cũng đã ra quyết định kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với ông Võ Hồng Thuận.
 
+ Trưa ngày 5/3/2018, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, đã có ý kiến trên báo Tuổi trẻ về vụ cô N., giáo viên Trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức tỉnh Long An quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh gây bức xúc trong dư luận. Theo ông Minh, ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ GD-ĐT đã chủ động liên hệ với cơ sở để xác minh thông tin. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là xử lý đúng người, đúng việc; một mặt đảm bảo giáo viên thực hiện đúng các quy định; một mặt có phương án bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà giáo nếu có hình thức đối xử với các thầy cô không đúng theo quy định pháp luật, làm tổn hại đến danh dự, thanh danh nhà giáo.
Ông Hoàng Đức Minh nói: "Về nguyên tắc, nếu giáo viên sai so với quy định hiện hành thì phải nhận trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp. Tuy nhiên bên cạnh đó, bất kể hình thức làm nhục, xúc phạm danh dự, ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp của người giáo viên cũng là vi phạm nhân quyền và cần phải lên án, thậm chí có hình thức xử lý nếu như vi phạm pháp luật".
 
+ Cũng liên quan tới vụ việc, ông Nguyễn Hồng Phúc - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Long An cho biết sáng  5/3/2018, UBND huyện Bến Lức tổ chức họp nghe phòng GD-ĐT báo cáo và xem xét giải quyết vụ việc.

+ Có thông tin cho rằng, ông Võ Hòa Thuận - người được cho là đã yêu cầu một cô giáo quỳ gối xin lỗi, là Thư ký Hội Luật gia huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo "Đời sống và Pháp lý" vào sáng 6/3, ông Lâm Khôi, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Long An đã phủ nhận thông tin nói trên. "Ông Võ Hòa Thuận không phải là thư ký Hội Luật gia thuộc tỉnh Long An. Hiện ông Thuận là cán bộ tư pháp của xã Nhựt Chánh, thuộc huyện Bến Lức", ông Khôi khẳng định. Ông Khôi cho biết thêm, hiện Hội Luật gia tỉnh Long An đang chỉ đạo thông tin để đính chính lại những nội dung không chính xác xuất hiện trên mạng những ngày qua.
 
+ Bản tường trình vụ việc của cô giáo N. gửi Phòng GD&ĐT (nguồn từ Infonet):
9 điều suy nghĩ từ chuyện phụ huynh gây áp lực bắt giáo viên quỳ?
Bản tường trình của cô giáo N. về vụ việc. Ảnh: InfonetBản tường trình của cô giáo N. về vụ việc. Ảnh: Infonet
+ Trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet, ông Võ Văn Tuấn, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Bến Lức (Long An) cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, phòng GDĐT huyện đã xuống trường xác minh: "Sự việc xảy ra như thế nào thì báo chí cũng đã đưa tin nhiều, tôi đã gặp trực tiếp cô N., thầy hiệu trưởng và giáo viên chứng kiến vụ việc. Cô N. cũng đã làm bản tường trình sự việc ngày hôm đó. Nói thật, công tác trong ngành đã 35 năm nhưng chưa bao giờ tôi gặp vụ nào xúc phạm nghề giáo như vậy. Hành vi của phụ huynh đó quá phản cảm, gây bức xúc cho cả phụ huynh, giáo viên trong trường cũng như trong ngành".
 
Ông Tuấn giải thích: "Hành vi phạt học sinh quỳ của cô N. là sai và cô N. đã nhận ra lỗi của mình, đã xin lỗi nhưng mấy phụ huynh đó không chấp nhận. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Chánh cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình. Đúng ra, hiệu trưởng phải ở lại xử lý dứt điểm vụ việc, mời phụ huynh ra về, để giáo viên lên lớp rồi mới đi làm việc khác, không được để một mình giáo viên đối mặt với phụ huynh như vậy. Bên cạnh đó, cô N. tâm lý khá yếu, bị phụ huynh gây sức ép mà không dám phản kháng".
 
Trước thông tin ông V.H.T, người ép cô N. quỳ, cho rằng cô N. tự nguyện quỳ chứ không phải bị ép buộc, ông Tuấn khẳng định: "Điều đó không đúng, vì hôm đó cô N. xin lỗi, hiệu trưởng nhà trường xin lỗi, trưởng ban phụ huynh của trường cũng xin lỗi nhưng vợ chồng ông T. không chấp nhận, liên tục gây sức ép, nói rằng "con tôi không có lỗi cô bắt quỳ, bây giờ cô đang có lỗi cô quỳ lại đi", thậm chí còn bấm giờ bắt cô N. quỳ đủ 40 phút".
 
Ông Tuấn cho biết, huyện cũng đã làm công tác tư tưởng cho cô N., động viên tinh thần cô tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngày mai (7/3), UBND huyện Bến Lức sẽ có câu trả lời chính thức về vụ việc này.
 
Đồng thời, Phòng GDĐT huyện sẽ có văn bản cụ thể gửi các trường trong huyện, nhấn mạnh những quy định giáo viên không được phép làm như không được hành hung, chửi mắng, xúc phạm học sinh…
 

Ý kiến bạn đọc: (2)

Trần Mạnh Hùng Không thể chấp nhận được. Ôi....

· Trả lời · 5 năm trước

Lê Hồng Chuyên Tôi ra trường dạy gần chục năm. Phạt học sinh vi phạm phần lớn là thấy hình thức phạt nhắm được thì áp dụng ( được theo suy nghĩ cá nhân). Thật không biết khi nào có thể bị tát hay bị bắt quỳ... Tại sao không ra hẳn một văn bản quy định hình thức phạt học sinh đi. Giáo viên còn mơ hồ lắm, làm sao để họ xác định phạt như vậy là đúng là không vi phạm. Phạt nhẹ thì không đủ sức răn đe. Phạt nặng thì vi phạm này nọ.

· Trả lời · · 5 năm trước
Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.