5 mong muốn đối với các hiệu trưởng

  • 17/08/2017 | 09:26 GMT+7
  • 48.873 lượt xem

Sáng 16/8/2017, tại Hội nghị của giáo dục cấp tiểu học tỉnh Thái Bình, TS. Lê Thống Nhất đã chia sẻ tâm tình của mình với 295 hiệu trưởng của các trường tiểu học. Dựa theo bài phát biểu này, ông đã viết lại, bổ sung thêm để chia sẻ với các bạn đồng nghiệp.

TS. Lê Thống Nhất chia sẻ với 295 hiệu trưởng tiểu học tỉnh Thái BìnhTS. Lê Thống Nhất chia sẻ với 295 hiệu trưởng tiểu học tỉnh Thái Bình

Hiệu trưởng phải là người có bản lĩnh để có hành động đúng và kịp thời 

Trước những dư luận xã hội nhiều chiều, thậm chí trái ngược nhau, hiệu trưởng phải là người có bản lĩnh để phân biệt đúng sai, tránh những tư tưởng dao động và có những quyết định sai làm ảnh hưởng tới nội bộ nhà trường.

Với cấp tiểu học năm vừa qua có 3 câu chuyện nổi lên trên truyền thông:

Đánh giá kiểm tra học sinh theo thông tư 22

- Hiệu trưởng phải nhận thức là so với thông tư 30 thì đánh giá kiểm tra theo thông tư 22 mang tính định lượng nhiều hơn, tuy mục tiêu "đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh" là không thay đổi.

- Thông tư 22 đã giảm gánh nặng "sổ sách" cho giáo viên cho nên những "sổ sách" mang tính hình thức không cần thiết phải bắt giáo viên phải có và thậm chí không cần những kiểm tra hành chính thiếu sự tôn trọng giáo viên.

- Hiệu trưởng là người quyết định về đề kiểm tra cuối kỳ nên cần biết phản biện khi phòng GD-ĐT lấy mất quyền của mình để phòng GD-ĐT ra đề chung cho các trường.

- Với quyền quyết định về đề kiểm tra cuối kỳ, hiệu trưởng cần có quy trình làm đề, phối hợp với hiệu phó phụ trách chuyên môn đảm bảo thực hiện đúng theo ma trận đề thi như hướng dẫn và bảo mật đề thi.

Mô hình trường học mới (VNEN)

- Nếu trường đang triển khai VNEN mà thấy dư luận giáo viên, học sinh, phụ huynh hưởng ứng tốt và có kết quả tốt cho giáo dục thì cần rút ra, chia sẻ những bài học thành công tới các trường làm mà chưa tốt.

- Nếu trường đang triển khai VNEN mà thấy dư luận giáo viên, phụ huynh phản ứng và kết quả học tập của học sinh - nhất là học sinh yếu - ngày càng yếu hơn thì cần xem lại cách triển khai, đặc biệt là những điều kiện để triển khai: cơ sở vật chất, sĩ số học sinh mỗi lớp hoặc năng lực của giáo viên. Ngoài ra cần xem xét việc thực hiện tư tưởng của mô hình có cứng nhắc không? Có phải bất cứ tiết nào cũng chia nhóm để dạy hay không? Các giáo viên có kịp thời thấy học sinh bị các lỗ hổng kiến thức hay không? Nếu các điều kiện chưa đầy đủ để triển khai tiếp thì mạnh dạn xin dừng lại. Đấy cũng là sự trung thực của mỗi người.

- Nếu trường chưa triển khai VNEN thì vẫn có thể tìm hiểu các yếu tố tích cực của mô hình để áp dụng: tạo điều kiện để học sinh khám phá kiến thức tránh hiện tượng "thầy đọc, trò chép" hay "cô chiếu, trò nhìn, trò ghi"; tinh thần tự quản và dân chủ của học sinh; trang trí lớp học; kỹ năng làm việc nhóm của học sinh;...

Tiến tới bỏ biên chế trong giáo dục để chuyển sang hợp đồng lao động

- Đây là câu chuyện tác động lớn đến tập thể giáo viên trong nhà trường, cần nhanh chóng ổn định tư tưởng cho cán bộ, giáo viên.

- Phải thấy rằng để tiến tới việc này là con đường lâu dài, trong tương lai mà thôi. Bởi bất cứ quốc sách nào cũng phải qua quy trình nghiên cứu chặt chẽ, từng bước thí điểm, thông qua nhiều ngành liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, rồi Chính phủ và cuối cùng là Quốc hội. Chưa kể tới việc phải thay đổi Luật Giáo dục nên cần trấn an tinh thần cho cán bộ, giáo viên ổn định làm tốt công việc đang làm.

Tặng Cờ Kỉ niệm của BigSchool cho các phòng GD-ĐT và phòng GDTHTặng Cờ Kỉ niệm của BigSchool cho các phòng GD-ĐT và phòng GDTH

Hiệu trưởng cần có tình yêu với đồng nghiệp, chân thành với phụ huynh

- Nếu không có tình yêu với đồng nghiệp thì hiệu trưởng rất dễ làm mất dân chủ trong trường học, sẽ không nhận được những phản biện kịp thời của cán bộ, giáo viên. Khi đó nhà trường giống như con tầu giữa đại dương mà chỉ có thuyền trưởng mà không có thuỷ thủ.

- Nếu mất dân chủ trong nhà trường thì khối đoàn kết sẽ bị tan vỡ và thiếu điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức mạnh của nhà trường. Đặc biệt là câu chuyện giữa thầy cô với nhau dễ lan tới phụ huynh, học sinh và tổn thất cho hình ảnh của người thầy, làm hiệu quả giáo dục suy giảm.

- Nếu không chân thành với phụ huynh thì sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình sẽ lỏng lẻo. Sự ủng hộ của phụ huynh với nhà trường sẽ yếu đi và nhà trường sẽ gặp nhiều khó khăn. Không những thế, hiệu trưởng sẽ không nghe được những phản ánh cần thiết để kịp thời chấn chỉnh công tác giáo dục trong nhà trường.

- Có tình yêu với đồng nghiệp và chân thành với phụ huynh cũng sẽ giúp cho hiệu trưởng dễ gần gũi với học sinh hơn. Hiệu trưởng không phải là hình ảnh đem ra doạ học sinh mà hiệu trưởng sẽ được học sinh ngưỡng mộ, thân thiết.

Tóm lại, nếu được cô đọng những điều mong muốn với hiệu trưởng thì xin tóm tắt theo lời của một ÔNG ĐỒ GIÀ như sau:

Mong muốn của một ÔNG ĐỒ GIÀ với hiệu trưởngMong muốn của một ÔNG ĐỒ GIÀ với hiệu trưởng

Cuối cùng, rất mong các hiệu trưởng, không chỉ với cấp tiểu học, xứng đáng là những "Bộ trưởng con" tại các nhà trường! Những "đại đội trưởng của tôi" đầy uy tín với các "chiến sĩ" trên "mặt trận giáo dục", chứ không phải chỉ trong "một trận đánh lớn"!

TS. Lê Thống Nhất

 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.