Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động “Chương trình sức khỏe Việt Nam". Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ quan điểm của mình và đưa ra 5 giải pháp mà ngành giáo dục sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu tại Lễ phát động về chủ đề bảo đảm dinh dưỡng, tăng cường thể lực, vệ sinh cá nhân cho trẻ em, học sinh sinh viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, thời gian học sinh ngồi trên ghế nhà trường là “giai đoạn vàng” để phát triển thể lực, trí tuệ. Tập trung nâng cao thể chất cho các em ngay từ giai đoạn này sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc cho thế hệ trẻ, đồng thời giúp các em vui tươi, hạnh phúc, giàu ý chí, khát vọng vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tích cực triển khai Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030; Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030; Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Nhận thức về dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực và vệ sinh cá nhân đã có những chuyến biến tích cực. Công tác tổ chức bữa ăn học đường ngày càng được quan tâm và từng bước được cải thiện. Các hoạt động thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ được các nhà trường duy trì thành nền nếp; nhiều cơ sở giáo dục đã quan tâm lựa chọn một số môn thể thao để duy trì luyện tập thành phong trào; nhiều câu lạc bộ thể dục thể thao trong nhà trường được thành lập tạo ra những sân chơi lành mạnh, giúp học sinh sinh viên không chỉ rèn luyện thể lực, ý thức, tạo thói quen về tập luyện thể dục thể thao mà còn giúp các em tránh xa các hoạt động vui chơi không lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội.Thủ tướng cùng các lãnh đạo và ông Park Hang Seo tại lễ phát động
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, công tác bảo đảm dinh dưỡng, tăng cường thể lực và vệ sinh cá nhân trong trường học còn gặp không ít khó khăn, bất cập. Công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp liên ngành ở một số địa phương còn chưa đồng bộ, chưa kiên quyết. Việc tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, giáo dục thể chất, vệ sinh cá nhân chưa thực sự được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng học đường, vệ sinh trường học còn thiếu, chưa được đào tạo bài bản.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị, sân chơi, bãi tập, công trình nước sạch phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân, tăng cường hoạt động thể lực trong các trường học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn... Theo thống kê, hiện nay còn khoảng hơn 70% cơ sở giáo dục phổ thông chưa có sân chơi, bãi tập. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành Giáo dục trong quá trình triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe cho học sinh sinh viên.
Để thực hiện tốt Chương trình bảo đảm dinh dưỡng, tăng cường thể lực và vệ sinh cá nhân cho trẻ em, học sinh trong các nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuận Nhạ đề cập đến 5 giải pháp ngành Giáo dục sẽ triển khai trong thời gian tới.
Thứ nhất, tổ chức, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chương trình Sức khỏe Việt Nam nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Lễ phát động
Thứ hai, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm trong các nhà trường. Tổ chức bữa ăn học đường (đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học) bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm; triển khai Chương trình Sữa học đường phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; triển khai hiệu quả Đề án Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh sinh viên; tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm đảm bảo chất lượng dinh dưỡng bữa ăn học đường cho học sinh sinh viên. Xây dựng và triển khai có hiệu quả các dự án, chương trình, hoạt động nghiên cứu khoa học về nâng cao sức khỏe và dinh dưỡng học đường, chú trọng tới các vùng khó khăn.
Thứ ba, tổ chức tốt công tác giáo dục thể chất trong trường học. Đổi mới nội dung chương trình giáo dục thể chất ở các cấp học theo hướng khắc phục bất cập của chương trình hiện hành, tạo sự hấp dẫn, hứng khởi hơn cho cả người dạy và người học. Tăng cường chỉ đạo các nhà trường vận dụng tối đa điều kiện cơ sở vật chất sẵn có, tổ chức hiệu quả môn học giáo dục thể chất, đẩy mạnh việc thành lập, hoạt động các câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ bơi lội, võ cổ truyền trong nhà trường. Duy trì tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ cho học sinh sinh viên, đảm bảo 100% học sinh tham gia luyện tập thường xuyên, hàng ngày. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Thứ tư, củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả công tác y tế trường học, đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh tật đối với trẻ em, học sinh sinh viên. Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, cán bộ làm công tác y tế trường học, học sinh sinh viên, cha mẹ học sinh về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để giáo dục, hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng và vận động thể lực phù hợp cho trẻ em, học sinh sinh viên. Thực hiện nghiêm việc không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học.
Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát về công tác dinh dưỡng học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, học sinh bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới; phối hợp với ngành Y tế trong việc can thiệp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh trong trường học.
Trung tâm Truyền thông giáo dục
Nguồn: Bộ GD&ĐT
BigSchool: Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT: Ngày 23/2, tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có gần 80.000 giáo viên thể dục thể thao, trong đó có khoảng 74% giáo viên chuyên trách và 26% giáo viên bán chuyên trách. Đặc biệt ở bậc tiểu học chỉ có 20% số trường có giáo viên chuyên trách.
Cũng theo thống kê, hiện nay, ở cấp Tiểu học có 17% số trường có nhà tập thể dục thể thao, 15% số trường có sân tập thể dục thể thao; cấp Trung học cơ sở có 12% số trường có nhà tập thể dục thể thao, 15% số trường có sân tập thể dục thể thao; cấp Trung học phổ thông có 30% số trường có nhà tập thể dục thể thao, 15% số trường có sân tập thể dục thể thao.
Chương trình môn học Giáo dục thể chất của các cấp học cấu trúc chưa cân đối, nhiều nội dung còn mang nặng tính kỹ thuật. Hầu hết các trường dạy chương trình cũ ban hành từ năm 2000, ít các hướng dẫn, các kĩ năng thực hành, không có các hoạt động thể thao ngoại khóa.
Một số trường còn xem nhẹ việc thực hiện chương trình môn học Giáo dục thể chất, triển khai chương trình giáo dục thể chất hình thức, kém hiệu quả. Hoạt động thể thao trường học hướng dẫn nội dung còn nghèo nàn, hình thức hoạt động đơn điệu, chưa thu hút được đông đảo lực lượng học sinh tham gia tập luyện thể dục, thể thao. Nguồn lực đầu tư cho công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học chưa đáp ứng yêu cầu.
Trước thực tế này, các đại biểu dự Hội nghị cho rằng, đổi mới giáo dục thể chất, thể thao trong trường học là yêu cầu cần thiết trong tổng thể đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phải được làm quyết liệt để thay đổi cả nhận thức và hành động về hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trường học. Trong đó, cách dạy, cách học môn thể dục phải thay đổi để không còn là giờ học nhàm chán, giáo dục thể chất không còn là môn phụ trong suy nghĩ của cả người dạy và người học.
Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động thể dục thể thao trong trường học như xây dựng các hoạt động thể thao thường xuyên, đưa các môn thể thao truyền thống vào hoạt động ngoài giờ lên lớp của nhà trường.
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường cũng được các đại biểu đặt ra, trong đó tập trung đào tạo và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, bố trí đầy đủ đội ngũ giáo viên chuyên trách.
Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện để đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện các môn học Giáo dục thể chất và hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa. Đẩy mạnh xã hội hóa và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội đối với công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học.Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tới vấn đề thay đổi nhận thức về vai trò, ý nghĩa của giáo dục thể chất trong nhà trường và cho rằng, tất cả phải cùng thay đổi nhận thức này, từ Bộ GD&ĐT, Sở, Phòng, Hiệu trưởng các nhà trường tới các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.
Theo Bộ trưởng, giáo dục thể chất là thành tố quan trọng trong giáo dục phát triển toàn diện con người hoàn thiện đức - trí - thể - mỹ, mặc dù vậy, lâu nay, giáo dục thể chất trong nhà trường vẫn bị "mặc định" là môn phụ. Nhưng để môn phụ trở thành môn chính không phải cứ kêu gọi là được, mà môn học phải thay đổi để trở thành nhu cầu, niềm đam mê, có như thế mới không còn được coi là môn phụ.
“Phải làm sao để nhắc tới các hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường, học sinh không cảm thấy sợ, ngại mà mong muốn được tham gia, trở thành đam mê, sở thích của các em, chính các em thấy được ý nghĩa và tác dụng của các hoạt động giáo dục thể chất” - Bộ trưởng cho hay.
Chia sẻ mối lo lắng về tầm vóc nhỏ bé của học sinh các cấp hiện nay, Bộ trưởng nhận định, làm tốt hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường sẽ mang lại tác động “kép”. Một mặt sẽ nâng cao sức khỏe, tầm vóc cho học sinh nhưng mặt khác cũng sẽ giúp các em vui tươi hơn, tăng tính chủ động, giàu ý chí, nghị lực vươn lên.
“Thời gian học sinh ngồi trên ghế nhà trường, từ cấp tiểu học đến bậc đại học được xem là “giai đoạn vàng” của giáo dục thể chất. Nếu chúng ta tập trung nâng cao thể chất ngay từ các cấp học đầu đời, sẽ đỡ rất nhiều cho xã hội sau này. Đây chính là đầu tư cho tương lai hay chính là khả năng dự phòng trước về sức khỏe. Không khỏe mạnh làm sao vui tươi và phát triển tầm vóc, trí tuệ được”.
Nhấn mạnh tới tính thiết thực và hiệu quả của giáo dục thể chất, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, các cơ sở giáo dục bám sát mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành, từ đó vận dụng các hoạt động giáo dục thể chất một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng miền, phù hợp với thể trạng học sinh, tạo sự hứng khởi cho cả người dạy và người học, tạo ra phong trào thể dục thể thao trường học thực chất, mang lại kết quả thực chất.
“Nhiều địa phương, nhà trường đề cập đến khó khăn về cơ sở vật chất thiết bị, sân chơi, bãi tập phục vụ cho việc dạy và học giáo dục thể chất, đây đúng là vấn đề khó, vì vậy cần có sự linh hoạt để tận dụng tối đa các điều kiện của nhà trường, địa phương để tổ chức dạy và học, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa” - Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay, phong trào thể dục thể thao, nhu cầu rèn luyện sức khỏe đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Đây là cơ hội rất lớn để ngành giáo dục nhận được sự quan tâm, tiếp cận được với các nguồn lực xã hội, xã hội hóa phong trào thể dục thể thao trong trường học. Bộ GD&ĐT sẽ rà soát để ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa giáo dục thể chất trong nhà trường.
Để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng lưu ý, các trường đại học sư phạm thể dục thể thao, khoa sư phạm giáo dục thể chất tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường kỹ năng cho cả người dạy, người học, kỹ năng xử lý tình huống, mở rộng các chương trình hướng dẫn phong trào, tổ chức các câu lạc bộ; tài liệu giáo trình tránh lý thuyết mà chú trọng tới tính hướng dẫn thực hành, thiết thực và hiệu quả.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT sớm chuẩn bị để sơ kết Đề án tổng thể của Thủ tướng Chính phủ phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, qua đó nhìn nhận bức tranh giáo dục thể chất và thể thao trường học hiện tại, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai Đề án và có các giải pháp triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Bộ trưởng cũng chính thức phát động toàn ngành đẩy mạnh tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ và mỗi nhà trường chọn một môn thể thao phù hợp để tập luyện thành nền nếp, khuyến khích một số môn thể thao vừa rèn luyện sức khỏe, vừa phát triển tài năng như võ cổ truyền, bơi lội, bóng đá, bóng rổ.... Bộ trưởng lưu ý, không chỉ học sinh mới tập luyện thể dục thể thao mà các thầy cô giáo cũng phải đi đầu, làm tấm gương, động lực cho học sinh noi theo.
“Chỉ khi nào công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học trở thành nhu cầu tự thân thì khi đó mới tạo ra động lực cho tất cả thầy cô giáo, các em học sinh, cũng như các tổ chức cá nhân ngoài nhà trường cùng tham gia để tạo dựng thành phong trào thể thao thiết thực, lành mạnh và hiệu quả” - Bộ trưởng khẳng định.
Ý kiến bạn đọc: