Cuộc thi viết "Người Thầy trong tôi là..." vừa khép lại với 2 giải thưởng "Ấn tượng" và "Yêu thích" đều thuộc về học sinh của TP Hồ Chí Minh. BigSchool chúc mừng 2 bạn và xin giới thiệu tới bạn đọc.
Cuộc thi do VP Bank tổ chức dành cho học sinh cả nước.
Giải "Yêu thích"
Những lời vô thanh
Trên sóng nước thời gian ấy, thân phận con người cũng mong manh và vô thường đến lạ kì. Ta rồi cũng như những đoá hoa trôi theo nước triều trở về biển quên lãng, với tịch liêu cô quạnh. Có lẽ vì thế nên giá trị của một kiếp phù dung chưa bao giờ được đo bằng lượng đời, của cải hay vinh hiển mà thay vào đó, bằng hương sắc và sức toả. Phải, thân xác ta sau tất cả sẽ hoá thành cát bụi, cái quan trọng là ta đã sống như thế nào. Sống thế nào để cuộc đời toả hương, sống thế nào để phù dung nhỏ bé cũng có thể rộ nở thành một đoá hoa đẹp tuyệt? Những câu hỏi đó, thầy đã trả lời cho tôi, thấu suốt. Không khoa trương, bản thân cuộc đời thầy đã hàm ẩn câu trả lời rồi đó, một cuộc đời đầy ắp yêu thương và thanh nhẹ như gió mây. Một đời người rất đẹp. Đúng như cái tên Vũ Cao Thắng, cả cuộc đời thầy là những lần vươn lên để giành trọn những chiến thắng cao quý trong cuộc đời, trong nghiệp trồng người.
Phải người không quen, không biết về thầy sẽ nhìn thầy đơn giản lắm: một người đã quá niên tuổi, tóc lấm tấm nước thời gian trắng bạc, và hơn hết là những quầng đen rõ rệt dưới mắt gợi nên vẻ khắc khổ. Thế nhưng, phải trải qua sự dìu dắt của thầy, phải nhìn thẳm vào bản chất mới thấy, bên trong những quầng đen sâu hoắm gắn chặt vào đôi hốc mắt như giếng sâu hút ấy là biết bao tâm trạng, nỗi niềm ăm ắp. Lúc nào cũng thế, trong đáy mắt thầy luôn mang theo cả một bầu trời trĩu nặng tâm sự mà tôi chẳng bao giờ hiểu hết nổi. Nhưng tôi vẫn thích ngụp lặn trong bầu trời ấy, bởi tôi hằng tin cứ mỗi lần lặn sâu hơn, tôi lại tìm thấy nét gì đó mới ở thầy. Những nét độc nhất tách bạch thầy với mọi nhà giáo khác, những nét mà đám trò cũ khi nghe đâu đó vọng lên hai chữ "thầy Thắng" là mắt lại sáng rỡ, long lanh. Như là cái thở dài của thầy mỗi khi nhìn vào trang vở còn nhiều chỗ trống. Thầy chỉ lặng lẽ nét bút "cần cố gắng hơn" lên trang giấy, thầy cũng ít khi nghiêm nghị phê bình ai trước lớp, nhưng tôi luôn biết rõ sự thất vọng cố nén của thầy. Qua những tiếng khẽ thở dài, thườn thượt buông xuống. Hay là những trang đáp án của thầy lên ngót nghét cả chục ngàn tờ chứ chẳng ít, tất cả hoàn toàn viết bằng tay. Tôi thích thú ý nghĩ mỗi trang viết tay như một lá thơ, vì những trang ấy cũng hiếm hoi như những lá thơ trong thời buổi ngày nay vậy. Và hơn hết, tôi thấy trong nét chữ của thầy tròn trịa tâm huyết, tình thương và niềm tin đặt trọn lên vai chúng tôi. Những con chữ chính là tâm thư, tâm tình thầy đó, lặng lẽ nhưng vẫn đủ sức âm vang sâu đậm. Còn nhiều, rất nhiều nữa. Có những buổi học chẳng khô khan với toán, mà nồng nàn và thanh dịu với tình cảm, với ân cần trò chuyện. Có những ngày niềm tin chênh chao trong tấc dạ, lắng nghe lời thầy thấm thía bỗng thấy đôi chân vững vàng hơn, và thế đứng cao hơn...
Ôi những mảnh vỡ kí ức, tàn nhẫn lắm thay! Tôi chưa bao giờ dám phủ nhận vẻ đẹp diễm tuyệt của chúng, nhưng mà chúng dữ dội quá. Nhọn sắc và bén ngọt. Trong mớ hỗn độn găm chặt những mảnh vỡ vào tim tôi. Để rồi, hồn tôi rỉ máu từng giọt đỏ lựng, rơi vào mảnh không cô quạnh để rồi trở thành những ám ảnh không bao giờ dứt suốt một đời người... Biết bao kí ức là biết mấy ám ảnh hỗn mang trong miền suy tưởng.
"Người Thầy trong tôi" của Lâm Đào Quế Anh
Thế nhưng, trong tất thảy những kí ức đó, găm chặt vào tim tôi nhất, rỏ máu hồn tôi nhiều nhất vẫn là đêm ấy, giữa biển trời sao, có Dế, có ngọn lửa lòng chảy âm ỉ vô tận... Đêm ấy, mặt đất lấp lánh át cả bầu trời. Vài trăm con người, đến từ lớp lớp thế hệ học trò, ngồi lặng lẽ trên cát vắng nghe thầy, nghe Dế Sư Phụ kể chuyện. Đêm ấy, giọng thầy run run bởi xúc cảm âm vang, bởi bầu trời tâm sự xô đẩy trong từng chữ thốt ra. Thầy kể rất nhiều, về đời thầy, về những nỗi lo toan không dứt trong hình ảnh con gái thầy, về hình ảnh chúng tôi cũng ám ảnh như con thầy vậy. Rằng thầy sẽ mang tất cả những hình ảnh đấy đi qua thế giới bên kia. "Cái chết, thầy cũng có nghĩ đến. Ai rồi cũng sẽ ra đi. Nhưng thầy biết, thầy sẽ ra đi thật an lòng. Vì lúc ấy, thầy đã kịp đem theo những kí ức về các em, từng kí ức, từng khuôn mặt. Và thầy sẽ mỉm cười, hạnh phúc." Đêm ấy, khi ánh lửa hồng bập bùng rơi vào tro cháy, tôi chạy nhanh đến chỗ thầy và ôm thầy thật chặt. Lớp lớp dòng xúc cảm cuộn trào trong hồn tôi. Lúc đó, tôi có thể khóc, tôi có thể cười, tôi có thể giữ mình lặng lẽ, tôi cũng có thể gào lên tiếng cảm ơn bật tràn máu tôi,... Nhưng rồi, tôi chọn nói. "Thầy ơi, hôm nay con gái thầy không đi theo thầy. Vậy nên con muốn thay chị chúc thầy một đêm ngon giấc. Con yêu thầy." Trong bối rối, lời nói của tôi thật vụng về. Nhưng đó là lòng tôi đó, trong trẻo, vẹn nguyên một ấu thơ thật đẹp. Và nơi ấu thơ ấy, có thầy: người tôi vẫn luôn thầm gọi là cha, người tôi cả một đời sâu nặng. Hoang hoải cát bụi thời gian thốc lên khắp sáu cõi, cuốn chìm vạn vật vào quên lãng. Những mảng kí ức của tôi cũng thế. Chúng đang dần rơi, như những dòng cát vụt qua kẽ tay. Phải, lãng quên đến với tôi, mỗi lúc một gần hơn. Có thể nhiều năm nữa, tôi sẽ quên thầy là ai giữa đời này... Nhưng như thế có hề chi! Thời gian có thể lấy đi kí ức của tôi về thầy, nhưng chẳng bao giờ lấy đi nổi những ảnh hưởng của thầy lên tôi. Tôi đã học được quá nhiều từ cuộc đời thầy, đến nỗi mỗi bước chân tôi tiến, đều nghe âm vang hình ảnh của thầy, rực rỡ...
Lâm Đào Quế Anh
Trường THPT Năng khiếu ĐH KHTN, ĐHQG TP HCM
--------------------------
Giải "Ấn tượng"
"Người Thầy trong tôi" của Trần Minh Thông chính là mẹ mình.
Nhiều bạn thường ganh tị với con khi có mẹ dạy Văn, nhưng mà... Khi mẹ là cô giáo thì con trai của mẹ thiệt là sướng khổ lẫn lộn!
Mẹ dạy Văn, mà con lại là con trai, thích Toán và các môn tự nhiên, bản tính khô khan. Môn Văn gần như trở thành "khắc tinh" với con. Ai bảo mẹ dạy Văn thì con sẽ được điểm 9, điểm 10 môn Văn? Những bài tập làm văn con bí lù, năn nỉ mẹ mãi, mẹ cũng có làm cho con đâu. Hướng dẫn con dàn ý như bao học sinh khác, thậm chí còn ít hơn, làm con khổ sở suy nghĩ từng câu, từng chữ...!
Mẹ dạy Văn, nên mấy bạn hay nhìn vào điểm Văn của con lắm. Nên con lười lắm, ghét môn Văn lắm lắm, vẫn phải ì ạch học cho qua cái môn mà sư phụ của con cũng chính là mẹ.
Mẹ là giáo viên, lại dạy Văn, nên con nghiễm nhiên trở thành hình mẫu học sinh ngoan hiền lý tưởng trong mắt thầy cô, bạn bè. Ừ thì có mẹ dạy Văn mà, nên thần thái tác phong phải nghiêm túc đúng chuẩn học sinh gương mẫu chứ! Áo sơ mi trắng thẳng tinh, đóng thùng cao thiệt cao, tập vở bao bìa cẩn thận,... Là chuyện của một học sinh "miễn cưỡng" gương mẫu như con phải làm. Và... Mấy bạn bảo con như mọt sách !!!
Vậy đó, có mẹ dạy Văn thiệt khổ !!!
Nhưng mà...
Cũng tại vì mẹ dạy Văn, nên mẹ lúc nào cũng "bắt thóp" được con, hiểu tâm lý được con. Mẹ không áp đặt con, mà hướng dẫn con làm điều con muốn theo cách tốt nhất.
Mẹ dành thời gian kể chuyện con nghe, những câu chuyện mà qua đó con tự rút cho mình những bài học làm người. Con trai của mẹ, từ đó mà dần trưởng thành hơn.
Học trò đến nhà thăm mẹ, gọi con bằng anh. Tự dưng con thấy, mình lớn hơn. Mình phải chỉnh chu lại cách ăn nói, đi đứng của mình, kẻo mất mặt với..."đàn em". Dần dần, con nghiêm túc hơn.
Sự ân cần, tận tuỵ của mẹ đối với học trò. Sự dịu dàng, chu đáo của mẹ đối với gia đình. Sự hoà nhã, thân thiện của mẹ với người thân. Sự tinh tế, tốt bụng của mẹ đối với những người xung quanh, dù lạ dù quen. Mẹ đã "gián tiếp" dạy con những bài học làm người bổ ích.
Còn nhiều nhiều nữa những nỗi khổ trời ơi khi có mẹ làm giáo viên. Nhưng cũng chính vì có mẹ làm giáo viên, nên con học được cách hoàn thiện bản thân mình theo hướng tốt nhất. Và cũng chính vì có mẹ làm giáo viên, nên con chưa từng đứng trước áp lực tâm lý, vì ở nhà, có mẹ, có cô giáo thân thương của con, luôn hiểu con, sẵn sàng lắng nghe con.
Con chỉ muốn nói, mẹ ơi, mẹ bất ngờ vì bài viết này không? Con trai mẹ nay đã viết làm Văn tặng mẹ rồi này !!! Mẹ nhớ chấm cho con điểm 10 nha - cô giáo xinh đẹp nhất lòng con !
Trần Minh Thông
THCS Trần Văn Ơn, Q1, TP HCM.
Ý kiến bạn đọc: