Bậc cha mẹ nào cũng nhất mực thương yêu con cái. Nhưng có thể vì nhiều lý do như công việc bận rộn, hay tính cách, quan niệm mà chúng ta quên đi hoặc có lúc thờ ơ với những điều vô cùng quan trọng trong việc nuôi dạy con cái.
Dưới đây là 10 lỗi mà các ông bố bà mẹ thường mắc phải. Lời khuyên được đưa ra ở đây là, chúng ta cần tỉnh táo và thận trọng để luôn là những bậc cha mẹ sáng suốt!
Không còn nghi ngờ gì nữa khi nói rằng cha mẹ nào cũng đều thương yêu con cái và muốn cho chúng mọi thứ. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng tốt. Hàng nghìn ông bố bà mẹ chiều chuộng con cái họ đến mức chúng thậm chí không còn cảm thấy hạnh phúc với những gì chúng đang có. Đây là nguyên nhân khiến chúng không bao giờ cảm thấy thỏa mãn và luôn luôn đòi những thứ khác. Hãy nghĩ về điều đó theo cách này xem: Nghĩ xem liệu chúng đã khi nào được chuẩn bị tư tưởng cho sự thất bại sẽ có lúc xảy ra trong cuộc đời chúng hay chưa hoặc liệu chúng đã học được cách biết ơn về một điều gì đó hay chưa.
Nuông chiều quá là tạo tính ích kỷ cho con
Khi bạn quá nhu nhược để đưa ra những hình thức kỷ luật thích đáng đối với con bạn, thì bạn thường bỏ qua những chi tiết nhỏ nhặt mỗi khi chúng mắc lỗi. Thật không hay ho chút nào khi bạn để bọn trẻ biến mọi thứ trong nhà thành một mớ hỗn độn bởi vì chắc chắn chúng sẽ lại làm như vậy đối với nhà của người khác. Tốt hơn hết là chúng nên biết vâng lời khi chúng ra khỏi nhà và thăm thú đâu đó. Tôi đã tận mắt chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng khi một đứa trẻ hàng xóm bằng tuổi cháu nhà tôi sang chơi và đùa nghịch trên chiếc đi-văng đắt tiền. Nó nhào lộn, tranh giành đồ chơi, lục tung mọi thứ và còn gọi con gái tôi là đứa "xấu xí". Mọi thứ thành mớ hỗn độn chỉ trong vòng 15 phút. Nếu bạn không nghiêm khắc với con cái bạn, thì chắc chắn sẽ có ai đó sẽ nghiêm khắc với chúng và bạn lại không hề thích điều đó.
Tính bừa bãi có thể mắc từ nhỏ
Ngoài gia đình, trường học là nơi mà bọn trẻ sẽ dành nhiều thời gian hơn bất cứ nơi nào khác. Đó cũng là nơi tập trung nhiều nhất sự quan tâm, trách nhiệm trong việc tạo dựng cuộc đời chúng - từ thầy cô giáo cho đến bạn bè của chúng. Nên có sự hiện diện của gia đình bạn ở trường học của con bạn. Và đừng nên viện cớ vì lý do công việc mà hãy quan tâm và thậm chí có thể xin nghỉ phép một ngày nếu bạn thấy cần thiết. Bạn sẽ ngay lập tức thấy được giá trị quan trọng và ý nghĩa của khoảng thời gian đó. Bạn cũng nên tạo dựng quan hệ và giữ liên lạc với thầy cô giáo của bọn trẻ qua thư điện tử. Đó là cách tốt nhất để thầy cô thấy rằng bạn luôn luôn quan tâm đến sự trưởng thành của bọn trẻ và thầy cô sẽ thông báo cho bạn về mọi điều liên quan đến chúng. Hơn nữa thầy cô có thể sẽ nâng cao trách nhiệm hơn đối với con cái bạn nếu bạn thường xuyên giữ liên lạc.
Con có thể bắt đầu lười học từ đây
Trong khi chúng ta đều muốn khuyến khích con cái mình làm tốt mọi việc và xây dựng lòng tin cho chúng, thì có điều gì đó vượt quá giới hạn. Hình thành sự tự tin cho bọn trẻ là một điều quan trọng nhưng cách ăn mừng một thắng lợi nhỏ bằng một bữa tiệc linh đình sẽ làm bóp méo những gì bọn trẻ nghĩ về một thành công thực. Không nên quá hình tượng hóa việc chúng làm được. Hãy tán dương một cách kịp thời và phù hợp về những điều bọn trẻ làm được. Cho chúng thấy mọi việc sẽ tốt đẹp hơn nữa nếu chúng nỗ lực hơn và không được thỏa mãn dừng lại.
Một cách tán dương con quá đà
Bạn không nên cho rằng con cái mình phải được thưởng công cho những công việc vặt trong gia đình. Vì chúng đang sống trong gia đình chứ không phải là khách sạn. Chúng nên phát huy vai trò của mình trong gia đình. Nếu con cái lớn lên mà không hề có sự quan tâm đúng mực đến cha mẹ, anh em thì làm sao bạn có thể trông mong chúng sẽ đỗ đại học hay tìm được một công việc nào đó?
Dạy con làm việc nhà tuỳ theo lứa tuổi
Cách mà vợ chồng cư xử với nhau rất là quan trọng đối với việc hình thành và phát triển mối quan hệ của bọn trẻ, đặc biệt giai đoạn chúng trưởng thành. Nếu vợ hay chồng cư xử với nhau không đúng mực hay thường xuyên cãi vã, quát mắng nhau thì sẽ khiến con cái học theo cách cư xử như vậy. Con cái học được ở ba mẹ bằng cách quan sát cha mẹ chúng nhiều hơn là nghe cha mẹ chúng nói. Ngược lại nếu vợ chồng yêu thương và tôn trọng lẫn nhau thì sẽ cho con cái thấy được chân giá trị của một mái ấm gia đình. Từ đó sẽ là động lực lớn giúp chúng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Bố mẹ căng thẳng thì trẻ sẽ phát triển ra sao?
Đối với con cái thì bạn nên có sự trông mong hợp lý về chúng, đặc biệt khi chúng còn nhỏ. Nếu bạn muốn ra ngoài ăn tối nhưng lại hy vọng là đứa con 2 tuổi của mình ngoan ngoan ngồi yên như một cậu hoàng tử thì thật là không tưởng. Hay như nếu như bạn thích con bạn trở thành một siêu cầu thủ trong khi chúng hơi nặng ký và lại say mê chơi "Võ lâm truyền kỳ" thì bạn nên thay đổi quan điểm đó của mình. Không nên nuôi ảo vọng về bọn trẻ: Mọi mong đợi của bạn về con cái là làm sao cho chúng được cảm thấy hạnh phúc. Nếu con bạn không thể trở thành một hình ảnh như bạn mong muốn thì hãy tự thỏa hiệp với cuộc sống mà hỏi rằng: Nếu ai cũng trở thành siêu sao bóng đá thì thế giới sẽ ra sao?
Kỳ vọng quá tạo ra áp lực
Rất nhiều ông bố bà mẹ luôn quan tâm chăm sóc và chiều chuộng cho con cái. Họ dành cho chúng gần như mọi thứ. Và chính điều đó đã làm mất đi cái khả năng tự vệ những lúc vất vả, hoạn nạn. Mà ai có thể che chở cho con mình suốt đời, ai có thể đảm bảo suốt hành trình cuộc đời chúng sẽ không gặp tai ương? Chúng luôn dựa dẫm vào cha mẹ ngay cả khi đến độ tuổi không thích hợp. Như thế, thật tệ hại, chúng ta đang dần tạo dựng một thế hệ nhút nhát. Bọn trẻ ngày nay luôn đòi hỏi mọi thứ phải có sẵn, từ việc dọn dẹp phòng cho đến băng bó cho chúng mỗi lúc chúng đứt tay. Dạy chúng cách tự làm tự ăn, tự bảo vệ mình không có nghĩa là bạn ít quan tâm đến chúng; mà điều đó thể hiện rằng bạn yêu chúng nhiều và đúng cách hơn.
Hình ảnh "đứa trẻ" được bố mẹ bao bọc
Hãy để con trẻ được sống với chính những gì chúng thích một cách thích hợp. Cha mẹ không nên áp đặt tư tưởng của mình lên cuộc đời của chúng. Chỉ vì bạn mơ một cuộc sống sung túc mà ép đứa con gái 4 tuổi của mình sau này phải cưới một gã thật giàu có nhưng không có hạnh phúc. Điều đó thật không nên. Cha mẹ nên biết lắng nghe con cái. Có những điều bạn muốn nhưng chúng lại không muốn. Hãy định hướng cho con mình và để cho chúng lớn lên một cách tự nhiên. Khi bọn trẻ đã trưởng thành thì hãy để con bạn tự quyết định và lời khuyên của cha mẹ lúc đó chỉ mang tính chất định hướng.
Tất cả phải theo ý mẹ?
Đừng hứa chắc chắn với con cái về một điều gì đó mà không thực hiện. Bởi mỗi lời nói của cha mẹ đối với chúng có thể gọi là nhất ngôn cửu đỉnh. Chúng luôn hy vọng và tin vào những gì cha mẹ hứa hẹn. Nếu lời hứa đó không được thực thi thì con cái sẽ cho rằng cha mẹ chỉ nói dóc. Như vậy mỗi khi bạn khuyến khích con cái mình làm một việc bằng cách hứa với chúng một điều gì đó thì hãy cố gắng hứa một điều khả thi và hãy không ngừng xây dựng niềm tin cho chúng.
Đỗ Cao Sang
(Chuyên gia giáo dục tại INNOEDU)
BigSchool: Xin tóm tắt 10 lỗi trên qua bài lục bát:
MƯỜI SAI
Dạy con từ thủa còn thơ
Mười lỗi dễ mắc từ giờ sửa ngay
Một, nuông chiều quá tưởng hay
Con đòi vội phải cho ngay mới cười
Hai, nghiêm khắc bị bỏ lơi
Con tự do chẳng nghe lời của ai
Ba, con chẳng chịu học bài
Bệnh lười mắc phải nay mai làm gì?
Bốn, con thành tích tí ti
Ngợi khen như thể cực kỳ giỏi giang
Năm, việc nhà chẳng ngó ngàng
Mọi việc bố mẹ sẵn sàng làm luôn
Sáu, khi cãi vã mất khôn
Con nghe dần sẽ chẳng tôn trọng mình
Bảy, vì danh vọng gia đình
Bắt con phải thật tài tình mới ưng
Tám, lo bao bọc cục cưng
Thả ra chim chích lạc rừng ngô nghê
Chín, áp đặt hết mọi bề
Con mà chọn khác là chê, cấm liền
Mười, hứa mà lại hay quên
Tự dưng bố mẹ mất thiêng dần dần
Bây giờ sai chỉ một phân
Mai thành một dặm muôn phần nguy nan.
L.T.N
Ý kiến bạn đọc: